Tại hội thảo trực tuyến "New and Now 2020 Go Export", giới chuyên gia cho rằng, đại dịch tác động lớn nhưng vẫn có điểm sáng cho các doanh nghiệp dùng kênh trực tuyến để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thống kê trên Alibaba.com cho biết, giao dịch điện tử phía người mua tăng 60% trong 3 tháng qua. Tổng giá trị giao dịch cho thấy sự tăng trưởng ba chữ số trong nhiều loại dịch vụ.
Ví dụ, sản phẩm y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân tăng trưởng hơn 10 lần. Nhiều người ở nhà hơn nên nhóm ngành hàng chăm sóc thú cưng, trẻ em cũng tăng lên 3 đến 5 lần.
Thống kê cũng cho thấy từ trước giờ các nhà cung cấp Việt Nam đã đăng tải 600.000 sản phẩm lên nền tảng Alibaba.com và nhận được 50.000 yêu cầu báo giá trên toàn thế giới trong bình quân 30 ngày.
Ông Kua Jiling, Trưởng đại diện châu Á - Thái Bình Dương Alibaba.com, xác nhận sau hơn 10 năm nền tảng này có mặt ở Việt Nam, số lượng nhà cung ứng cao cấp (gold supplier) tại đây đã tăng lên nhanh chóng. Doanh nghiệp Việt có khả năng cung cấp hàng hóa cạnh tranh và chất lượng nhân viên ngày càng thành thạo hơn.
"Có lẽ tôi hơi lạc quan nhưng phải nói rằng đây là thời điểm vàng", bà Ngô Thị Thanh Hiền, Phó giám đốc Công ty công nghiệp Ameco, bình luận. Theo bà, với những doanh nghiệp đã sẵn sàng và có kinh nghiệm trong việc tiếp thị, bán hàng trực tuyến thì có rất nhiều lợi thế trong đại dịch. Thời điểm này, các khách hàng không còn cách nào khác là buộc phải ngồi trước màn hình máy tính để tìm sản phẩm.
"Đa phần người mua đang làm việc tại nhà nên họ sẽ có thời gian để tìm kiếm nhà cung cấp nhiều hơn", bà Lã Kim Nhung, nhà sáng lập IMITI, chuyên xuất khẩu đồ gỗ, nhận định. Bà cho biết, 2 tháng dịch bệnh vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến lượng yêu cầu báo giá đổ về công ty.
Một lợi thế khác của các nhà cung ứng Việt Nam là thương hiệu "Made in Vietnam". Theo bà Nhung, chiến tranh thương mại và dịch bệnh ở Trung Quốc khiến một số nhà mua hàng muốn tìm kiếm nguồn cung ứng bổ sung, để giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Việt Nam là một trong những lựa chọn của họ.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho hay, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh đang được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. "Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt dự án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể đăng ký kinh doanh, nộp thuế và thực hiện nhiều thủ tục khác bằng chữ ký điện tử", ông Dũng lưu ý.
Trên Alibaba.com, các nhà cung ứng Việt Nam đang có lượng hàng hóa phong phú và uy tín, nhưng cũng còn những hạn chế cần cải thiện. Bà Lã Kim Nhung cho biết, nhà cung cấp Việt Nam thường phản hồi chậm hơn phía Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc có thể trả lời chỉ sau 5-10 phút nhận được yêu cầu báo giá trong khi Việt Nam cần một ngày, vài ngày hoặc có khi cả tuần.
Với doanh nghiệp mới tập trung tìm kiếm khách hàng trực tuyến thời điểm này, bà Ngô Thị Thanh Hiền gợi ý nên cân nhắc 4 nội dung gồm: tái cấu trúc tập khách hàng đang có; lựa chọn và kết hợp các công cụ tiếp thị trực tuyến; định vị thương hiệu đồng nhất và chia nhỏ thị trường tương ứng năng lực
Theo ông Zhang Kuo - Tổng giám đốc Alibaba.com, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn trong 3 tháng qua vì Covid-19, chiến lược của công ty này là giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (nhất là doanh nghiệp Việt Nam) có thể vươn ra thế giới. Công ty đang làm mới các triển lãm thương mại trực tuyến để đảm bảo người mua có thể tìm thấy nhà cung cấp thông qua các video, họp trực tuyến và truyền hình trực tuyến.
Viễn Thông