Cụ thể, bán lẻ không qua cửa hàng sẽ tăng 8-12% trong khi mức chung của ngành là 3,7-4,2% (trừ ôtô, trạm xăng và nhà hàng). NRF cho rằng các cửa hàng truyền thống chỉ tăng trưởng doanh thu ở mức khiêm tốn và không đưa ra con số cụ thể, nhưng trang tin trực tuyến Internet Retailer dự đoán ở mức 2,8%.
Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố tháng 1 vừa qua cho thấy doanh số bán lẻ không qua cửa hàng trong quý IV/2016 lên đến 145,49 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng bán lẻ trực tuyến thì tỷ lệ tăng trưởng vọt lên tới 16%, một con số kỷ lục kể từ năm 2013.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại NRF, ông Jack Kleinhenz đánh giá bán hàng trực tuyến sẽ tiếp tục mở rộng vào năm 2017, tạo nền tảng cho sự phát triển chung toàn ngành công nghiệp bán lẻ. Tính tiện dụng vẫn là yếu tố cốt lõi khi nhà bán lẻ sẽ cung cấp cho người tiêu dùng mọi mặt hàng họ muốn, dù đó là tại cửa hàng, trên mạng hay qua điện thoại di động.
Thời gian gần đây, một số ông lớn bán lẻ đã phải nộp đơn bảo hộ phá sản hoặc ngừng kinh doanh như Limited Stores, American Apparel, Wet Seal... Về vấn đề này, ông Matthew Shay - Giám đốc Điều hành NRF nhìn nhận cạnh tranh sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhưng cũng tạo cơ hội cho những người khác vươn lên.
Vị CEO cho rằng, bán lẻ đang phát triển với một tốc độ nhanh hơn bao giờ hết và cơ hội luôn kèm với thách thức. Mô hình kinh doanh cần đổi mới, thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu người dùng. Rõ ràng là nhiều công ty đang cố gắng thay đổi nhưng không phải ai cũng thành công trong một môi trường mang tính cạnh tranh cao. Khi những người cũ không đủ sức duy trì vị thế thì lập tức sẽ có những người mới xuất hiện thế chỗ.
"Ảnh hưởng từ sự suy thoái trước đây khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng, cân nhắc hơn trong chi tiêu. Nền kinh tế Mỹ dù không tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đi đúng hướng, thuận lợi cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Vấn đề là nhà bán lẻ cần đưa ra những sản phẩm và dịch vụ thiết thực để có thể thu hút họ mua hàng", ông Matthew Shay nói.
Minh Trí