Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho biết, hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về "hàng nhái" mà thuật ngữ này được hiểu là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường nhưng không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường.
Theo điểm a khoản 7 Điều 3, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký thì bị coi là "hàng giả".
Việc chị Bích buôn bán giày, túi là hàng nhái kiểu dáng nhãn hiệu xa xỉ mà biết rõ đó là hàng nhái là hành vi buôn bán hàng giả.
Theo quy định của pháp luật, buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại hàng hóa mà biết rõ là hàng giả. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung cũng như lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nói riêng. Luật sư Bình cho biết, tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý hành chính
Theo Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên, đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
Ngoài các khoản phạt trên, luật sư Bình lưu ý, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái có dấu hiệu của tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự.
Hình phạt với tội này được quy định như sau:
+ Đối với cá nhân phạm tội: phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ một năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền với 20 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
+ Đối với pháp nhân thương mại: phạt tiền từ một tỷ đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ một năm đến 3 năm.
Ngoài ra, tùy theo đối tượng hàng hóa cụ thể mà hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn có thể bị truy tố về các tội sau:
- Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, theo Điều 193 Bộ luật hình sự.
- Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, theo Điều 194 Bộ luật hình sự.
- Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, theo Điều 195 Bộ luật hình sự.
Luật sư Bình kết luận, người có hành vi sản xuất và hành vi buôn bán hàng giả như trường hợp của chị Bích đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Còn người biết là hàng giả mà tham rẻ, vẫn mua để sử dụng thì chưa có chế tài xử lý.
Hải Thư