Ngày 23/11, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đăk Lăk cho biết đang hoàn tất thủ tục, đưa voi Rôk từ Lâm Đồng lên trung tâm bảo tồn ở huyện Buôn Đôn (cách hơn 200 km) để nuôi dưỡng.

Voi Rôk sắp được bàn giao cho trung tâm bảo tồn ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: Ngọc Oanh
Rôk được người đàn ông ở huyện Đức Trọng nuôi khoảng hai năm nay. Gần đây do khu chăn thả thu hẹp, chủ gặp khó khăn trong việc chăm sóc nên có nguyện vọng giao Rôk cho Trung tâm bảo tồn voi, với mong muốn nó được chăm sóc tốt hơn.
Trước đó, một con voi nhà ở huyện Lăk cũng được trung tâm đưa về Buôn Đôn để nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên. Đây là một trong các mục tiêu nhằm đảm bảo cho voi sống trong môi trường phù hợp và để phục vụ dự án bảo tồn.
Mới đây, UBND tỉnh Đăk Lăk đã thống nhất chi 55 tỷ đồng hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc nhằm chấm dứt nạn cưỡi voi chuyển sang mô hình du lịch thân thiện. Nguồn vốn do Tổ chức động vật châu Á (AAF) tài trợ.
Nhiều năm qua, tình trạng cưỡi voi du lịch đã ảnh hưởng đến sức khoẻ, tuổi thọ và số lượng đàn voi trên địa bàn. Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk, tỉnh còn khoảng 37 con voi nhà, 80-100 con voi hoang dã, giảm 90% số lượng so với năm 1980. Năm 2018, AAF cũng tài trợ 65.000 USD để chấm dứt du lịch cưỡi voi tại vườn quốc gia Yok Đôn.
Trần Hoá