Tuấn Tú (chồng Phương) chơi thân với cô bạn kia hơn mười năm. Dù là hai người khác giới nhưng họ còn "thân hơn cả hai thằng bạn thân" vì có thể kể với nhau đủ thứ chuyện, từ gia đình vợ con cho đến ăn chơi mua sắm. Cô bạn mỗi khi rảnh đều rủ rê anh cà phê, ăn uống bất kể giờ giấc. Tuấn Tú gọi người này là tri kỷ.
"Nếu đi cùng họ, tôi chỉ là người thừa, giống như ăn ké bữa cơm vậy", Minh Phương, 32 tuổi, ở Hà Nội kể. Khi vợ chồng ngồi chung với cô bạn kia, cô hầu như không tham gia được cuộc trò chuyện bởi họ chỉ nói những việc liên quan tới nhau. Thậm chí mỗi khi chụp ảnh thân mật, cô bạn còn thoải mái gắn tên Tú vào bài đăng, không chút e dè.
Khi yêu, Phương đã cảm thấy không thoải mái khi thấy họ thân thiết và hiểu nhau như vậy, nhưng cô nghĩ sau đám cưới sẽ khác, bởi cô mới là người đi cùng chồng đến hết cuộc đời. Nhưng cô nhận ra mình đã ảo tưởng.
"Tôi từng khuyên chồng phải giữ khoảng cách nhưng anh khăng khăng không làm gì sai, họ chỉ là bạn. Anh còn khẳng định, nếu yêu nhau thì đã yêu lâu rồi, không đến lượt tôi", cô nói.
Tri kỷ của Ngọc Bích (Hải Phòng) là người đàn ông trầm lắng, thông minh. Cô thừa nhận có thể chia sẻ với anh mọi chuyện vui buồn dù hai người sống cách nhau cả nghìn km. Anh luôn lắng nghe và cho lời khuyên chính xác. Đôi khi, người đàn ông này không khuyên gì, chỉ lặng lẽ nghe cô trút hết nỗi lòng. "Mỗi lần như vậy, tôi có cảm giác bình yên đến kỳ lạ, điều không bao giờ có với chồng", Bích nói.
Chồng cô ngoài công việc hầu như không quan tâm gia đình. Anh nỗ lực lo kinh tế còn gia đình phó thác việc nhà cho vợ lo liệu. Cũng vì thế, mỗi khi cảm thấy cuộc sống áp lực, ngột ngạt Bích lại tìm đến người đàn ông cô gọi là tri kỷ. Bích có thể nhắn tin cho người này cả tiếng, ảnh nào anh đăng lên mạng cô cũng nhanh tay bình luận trước tiên, nhưng ở nhà chỉ nói vài câu với chồng rồi mỗi người mỗi góc.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tri kỷ thường chỉ những người đồng điệu về tâm hồn, sở thích, thói quen. Tri kỷ khác giới, còn kèm thêm điều kiện là không có hấp dẫn thể xác.
Bà Minh giải thích, trong tâm lý học có khái niệm "ba trụ cột của tình yêu" gồm tình bạn, tình thương và tình dục. Mức độ cao nhất của tri kỷ gồm hai yếu tố tình bạn (được tâm sự) và tình thương (được hy sinh vì nhau). "Chỉ có tình yêu mới được thêm yếu tố thứ ba là tình dục", bà lý giải.
Tri kỷ khác giới có thể là những người từng yêu nhau, không thành đôi nhưng cũng không có sự phản bội hay căm thù. Cũng có thể đó chỉ là những người bạn thân thiết, cùng quan điểm chí hướng, tìm đến nhau để được tâm sự. Mối quan hệ này cũng không có yếu tố tài chính, tiền bạc.
Cách hiểu về tri kỷ khác giới giữa nam và nữ cũng rất khác nhau, theo bà Minh. Đàn ông giữ tri kỷ với phụ nữ khó hơn bởi họ có nhu cầu chiếm hữu lớn, việc phân định ranh giới giữa tri kỷ và tình yêu vì thế rất mong manh. "Những người giữ được tri kỷ khác giới phải đủ sáng suốt để phân biệt giữa tình yêu và tình bạn. Họ cũng phải tỉnh táo để giữ giới hạn cảm xúc của bản thân", chuyên gia nói.
Dù vậy, mối quan hệ này thường gây hiểu lầm, khó chịu với bạn đời, khiến hôn nhân lung lay.
Như trường hợp của Minh Phương, cô luôn thấy mình là kẻ đứng ngoài cuộc sống của chồng. Tuấn Tú giải thích nhiều chuyện không muốn chia sẻ với vợ vì sợ cô lo lắng, dẫn đến càm ràm nên chỉ muốn tâm sự với bạn. Phương đã gặp trực tiếp tri kỷ của chồng, cảnh cáo người này nên giữ khoảng cách. Thông tin đến tai Tú, hai vợ chồng cãi cọ khiến cô bỏ về nhà mẹ đẻ. Từ đó họ sống ly thân.
Với gia đình Bích, người chồng luôn cho rằng mối quan hệ của vợ là ngoại tình tư tưởng. Anh từng dùng lời lẽ miệt thị xúc phạm tới tri kỷ của cô khiến họ liên tục xung đột. Có lần, thấy vợ đang nhắn tin cho tri kỷ, người chồng giật điện thoại, chửi bới om xòm khiến cả hai không nhìn mặt nhau thời gian dài.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, khi bạn đời có tri kỷ khác giới, người còn lại tỏ ra ghen tuông cũng là tâm lý dễ hiểu.
"Không phải người phối ngẫu nào cũng chấp nhận tri kỷ khác giới của bạn đời. Nó giống như một trái bom nổ chậm, có thể làm tan vỡ gia đình bất cứ lúc nào", bà Tâm nói.
Khảo sát 1.700 độc giả của VnExpress gần đây cho thấy 63% không tin tồn tại tình cảm trong sáng giữa tri kỷ khác giới. Họ khẳng định sẽ ngăn cản hoặc tìm cách ngăn cản nếu bạn đời có mối quan hệ như vậy.
Nữ chuyên gia cho hay, có ba nguyên nhân khiến số đông độc giả có tâm lý như vậy. Thứ nhất xuất phát từ việc không tin tưởng đối phương, thậm chí còn thể hiện thái độ ghen tỵ khi có người thứ ba lại hiểu bạn đời hơn mình. Tiếp đó là ranh giới giữa tri kỷ và tình yêu quá mong manh, cuộc sống lại nhiều cám dỗ. Cuối cùng chính là sự thiếu kết nối, thiếu quan tâm chia sẻ tới bạn đời. "Tri kỷ khác giới càng phát triển mạnh khi cái cây tình yêu ngày càng cằn cỗi vì không ai chịu chăm bón, hoặc một người cứ vun vào, người kia lại bới ra", chuyên gia ví von.
Một khi vợ chồng không hiểu trách nhiệm với gia đình, không còn nuôi dưỡng cảm xúc, tình yêu dành cho nhau, sẽ khiến một trong hai hoặc cả hai sa đà vào mối quan hệ khác. Dù vậy, thay vì ghen tuông hay cấm đoán, người trong cuộc nên hành xử phù hợp như tận dụng chính tri kỷ khác giới để hiểu hơn về bạn đời của mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh đồng tình với quan điểm trên. Theo bà, ghen tuông, thậm chí đánh ghen chỉ khiến quan hệ vợ chồng thêm căng thẳng. Vợ chồng không nên quản thúc hay ra điều kiện bắt bạn đời phải lựa chọn. Thực chất, mối quan hệ tri kỷ không phụ thuộc vào việc "được cho phép hay không" bởi đó là quyền tự do cá nhân, quan trọng là hành động của chính người trong cuộc.
"Những người nằm trong mối quan hệ đó phải đảm bảo sự trong sáng của tình bạn, phải đủ bản lĩnh để không mắc sai lầm hay yếu lòng kể cả khi tâm trạng chông chênh nhất", bà Minh nói.
Nữ chuyên gia khuyên, việc cần làm là tất cả trở thành "người cùng một đội", biến tri kỷ của chồng hoặc vợ thành bạn chung. Nên tận dụng tri kỷ của bạn đời như một kênh thông tin giá trị để hiểu hơn về chồng hoặc vợ mình, thậm chí nhờ họ tác động thay đổi tích cực tới đối phương trong các hoàn cảnh cần thiết.
"Phải bắt đầu bằng sự tôn trọng tình bạn của bạn đời, sau đó kết thân và giữ người bạn đó sát bên hôn nhân của mình như một cố vấn hay một quân sư", chuyên gia tư vấn.
Ngoài ra, theo bà Minh, phải cảnh báo để bạn đời hiểu rằng nếu sa đà vào mối quan hệ khác giới cũng là một dạng của sự không chung thủy. Khi biết vợ hoặc chồng có tri kỷ khác giới, phải thảo luận để đặt ra những nguyên tắc rõ ràng. Không phải cứ là tri kỷ mà cho phép mình có những hành động vượt quá giới hạn, đạo đức. Bản chất của tri kỷ là thấu hiểu, là trợ giúp về mặt tinh thần, không thể lạm dụng để phát triển sang một mối quan hệ khác.
Vợ chồng cũng nên thường xuyên nói chuyện và đối thoại tích cực với nhau để biết mong muốn của đối phương, không nên giữ trong lòng và bắt người kia phải tự hiểu.
"Không chỉ có tri kỷ mà bất kỳ một mối quan hệ khác giới nào cũng có nguy cơ biến thành tình yêu nếu như hôn nhân không có sự đồng điệu và thấu hiểu", chuyên gia nói.
Hải Hiền