Chàng trai người Nhật Riso Yoshida vừa đăng tải một status trên trang fanpage “Teach me Vietnamese”.
"Hãy gọi thêm thức ăn, thức uống ở quán cà phê. Người Việt Nam thường ngồi trong quán cà phê rất lâu và sử dụng internet nhưng chỉ gọi có một món giải khát duy nhất. Điều đó không tốt cho chủ quán. Họ nên gọi thêm. Tôi quan sát thấy họ không bao giờ gọi thêm đồ ăn, thức uống, chỉ duy nhất 1 ly nước và ngồi đó rất lâu. Tôi có thể uống một ly cà phê sữa trong vòng 5 giây, 20ml. Làm sao tôi có thể mất 1 giờ đồng hồ chỉ để uống 1 ly cà phê sữa".
"Mỗi lần tôi đi uống cà phê với bạn Việt Nam, họ rất ngạc nhiên về tôi. Bởi vì tôi gọi 5-10 ly trong 1 tiếng. Tôi thấy rất khát khi nói chuyện và tôi nghĩ ngồi trong quán cà phê quá lâu mà không gọi gì hết thì rất ngại. Theo tôi thì những quán cà phê nên thu 100-200.000 đồng phí phục vụ khi ngồi trong quán. Tốt cho kinh tế".
Ngay khi status này được đăng tải, cộng đồng mạng đã diễn ra một cuộc tranh luận trái chiều.
Người Việt là "vua" lãng phí thời gian
Nhiều người tỏ ra thích thú và tán đồng nhận xét của chàng trai Nhật này.
Facebooker Dr.Xuân bình luận: "Tôi cực thích ý tưởng cũng như góc nhìn của anh. Người Việt chúng tôi có tác phong nông nghiệp, họ làm việc gì cũng chậm chạp, và việc họ dành hơn cả ngày chỉ để uống một ly cà phê không phải là chuyện lạ".
"Tôi nhớ ngày xưa tôi đi học, theo thói quen hàng ngày, tôi thường mua một lý cà phê take away ngay khi vừa nhảy xuống xe buýt. Thời gian vừa ăn sáng, vừa uống hết ly cà phê là khoảng 15 phút, vừa đúng quãng đường tôi đi bộ từ Bến Thành đến Nguyễn Khắc Nhu (quận 1). Ấy vậy mà tôi bị nhiều đứa bạn trêu, mày đang học phong cách Tây ấy à? Tôi gượng cười, thật đau lòng, bởi vì những đứa bạn tôi vẫn thường ăn uống trong giờ học hoặc bỏ học ngồi uống cà phê cả buổi sáng".
Thành viên Hoàng Văn phát biểu: "Cùng ý kiến với bạn, ngồi quá 2 tiếng tôi vẫn kêu thêm ly nước thứ ba. Nguyên nhân việc nhiều bạn ngồi lỳ chỉ với 1 ly/người do ở đây quán cần khách hơn là khách cần quán nên quán cần phục vụ tốt dù khách vô ý thế nào. Tự mỗi người mỗi cách cư xử mà qua đó người xung quanh đánh giá bạn ra sao".
Facebooker Tyler Nguyen tham gia: "Mình về Việt Nam và vẫn gọi rất nhiều cà phê hay đồ ăn khi ở trong quán vì mình biết sẽ ngồi lâu. Chả người làm kinh doanh nào cảm thấy vui khi gặp trường hợp ngồi quá lâu như vậy".
Facebooker Manh Cuong Tran chia sẻ: "Vì đó là văn hóa thưởng thức cà phê ở nước bạn và các nước phương Tây. Cuộc sống bận bịu gấp gáp của một xã hội công nghiệp như Nhật Bản không cho phép mọi người có nhiều thời gian thưởng thức một ly cà phê đúng nghĩa, thường thì nó cũng gấp gáp như vậy".
"Người Việt Nam thưởng thức cà phê là nhâm nhi từng ngụm một, cảm nhận giọt cà phê tan dần trong miệng và hương thơm thơm nồng trong khoang mũi. Về điểm này tôi thấy rất tương đồng với trà đạo của Nhật Bản, một nét văn hóa rất thanh tao".
Trả 100 - 200 nghìn đồng cho phí dịch vụ là vô lý
Không đồng tình với quan điểm thu thêm phí dịch vụ khi ngồi trong quán, facebooker Đỗ Duy Khánh phản biện: “Có chắc tốt cho kinh tế? Không có người Việt nào trả 100 - 200 nghìn cho phí dịch vụ cả. Tiền thức uống đã bao gồm cả phí dịch vụ rồi. Nếu thế, người ta sẽ chọn trà đá và quán vỉa hè, quán cà phê sẽ không tồn tại hoặc rất khó tồn tại nếu thu thêm tiền như vậy”.
Facebooker Hoàng Anh chia sẻ: “ Không nhất thiết phải gọi đến 5 hay 10 ly cà phê trong 1 tiếng. Chưa nói đến chuyện sức khỏe nếu uống trên 5 ly cà phê 1 ngày cực hại sức khỏe. Cũng không nhất thiết phải tính phí dịch vụ vì phí dịch vụ chủ quán đã tính vào tiền cà phê rồi. Nhưng có rất nhiều tình trạng như 4 hoặc 5 người đến mà chỉ gọi 1 hoặc 2 ly cà phê ngồi chơi bài từ sáng đến chiều gọi nước lọc dùng wifi và máy lạnh. Như vậy chủ quán sẽ bị thua lỗ".
Nên “nhập gia tùy tục”
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc với cách đưa ra lời khuyên của chàng trai Nhật này. Họ cho rằng anh nên tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, phong tục của người Việt Nam.
“Không phải chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước khác đều như thế, ví dụ như McDonald's, Burger King, hay Starbucks, khách hàng chỉ mua một cây kem hay một ly cafe, thậm chí họ còn không mua gì và có thể ở đó hàng giờ liền, trò chuyện, sử dụng wifi miễn phí, học bài, đọc sách... mà chẳng có nhân viên nào đến đuổi họ cả".
"Không chỉ ở riêng Việt Nam mà những nước khác đều như thế. Bạn kêu 5-10 ly cà phê một tiếng không có nghĩa là bạn có thể khuyên chúng tôi nên giống như bạn. Đây là Việt Nam, nhập gia tùy tục nhé” - Nickname Tuong Van Tran bình luận.
Facebooker Trần Minh Công phát biểu: “Mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau. Ở Việt Nam, quán cà phê cũng giống như căn nhà thứ 2 của họ. Tuy uống ít nhưng ngày nào họ cũng ghé quán cà phê thân thuộc để thưởng thức cái không khí thân thuộc trong quán cà phê mà họ yêu thích".
>> Xem thêm: Trai Nhật gây 'bão Facebook' vì chê gái Việt
Điệp Lê tổng hợp
Chia sẻ bài viết về các vấn đề đời sống, xã hội của bạn tại đây