Người gửi: Nguyễn Trung Kiên
Nếu nói tiền cho giáo dục đang thiếu nên chất lượng đào tạo kém, tôi cho rằng không đúng lắm. Theo tôi, tiền chi cho giáo dục đang bị phân tán và bị hao hụt nhiều hơn. Ví dụ đơn giản là trang bị một phòng máy cho trường đại học nếu mất A đồng thực tế, thì có khi là 2A trên giấy tờ, và A đồng đi vào hao phí, nói thất thoát là chuẩn hơn cả.
Mặt khác sinh viên hiện kêu ầm trời vì học phí tăng. Cũng lại là phi lý. Đừng đặt địa vị vào sinh viên nghèo vì vẫn còn nhiều cửa để học. Kiếm việc làm thêm không khó gì cả. Học có nửa ngày, làm thêm nửa ngày, và tự nghiên cứu vào những thời gian còn lại. Mọi người chắc như tôi, từng là sinh viên, đều thống nhất là thời sinh viên sướng thật. Quỹ thời gian quá ư thừa thãi.
Mặt khác thực tế là tỷ lệ % các sinh viên "mất tiền để thi học kỳ" cực cao, số tiền hao phí này cực đáng chê trách. Nên tăng học phí cũng không phải gây khó cho người học được. Vậy nên tôi cho là học phí tăng hay không chẳng giải quyết được vấn đề "chất lượng giáo dục".
Hướng xã hội hóa giáo dục đại học là cực tốt bởi đã đến lúc người lao động cần tìm nghề chứ không tìm bằng cấp. Học phải để làm nghề mới được. Sự cạnh tranh trong giáo dục sẽ ở chất lượng đào tạo của trường và chi phí học tập tại đó. Kỳ thi đầu vào chỉ có ý nghĩa nếu cung cầu của trường đại học lệch nhau. Vậy nên xã hội hóa giáo dục rồi thì học phí và các chế độ học bổng... do các trường tự đặt ra, sinh viên cũng tự tìm đến theo nhu cầu học.
Sản phẩm đào tạo là hàng hóa, học phí và giá, các chế độ học bổng là chương trình khuyến mại. Chất lượng hàng hóa các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ là cơ quan kiểm định. Vậy thì chẳng phải bận tâm tới giá nữa, vì thị trường sẽ điều chỉnh. Như thế có lẽ là hướng đi tốt hơn chăng?
Nước mình cũng có cụm từ "xã hội hóa giáo dục" nhiều năm rồi, cũng dần có sự thay đổi rồi, nhưng đúng hướng, đúng cách chưa thì chưa. Thi thoảng công tác quản lý rất bế tắc. Và tôi cho tăng học phí là một trong số các bế tắc đó, giúp giải quyết một số khó khăn trước mắt thôi.
Sinh viên, ai kêu tiền học đắt, tự ngẫm xem có đắt bằng quần áo, giày dép, tiệc tùng, sinh nhật, hẹn hò... hay không? Và bạn đã nghĩ đến tận dụng thời gian còn rảnh rỗi quá đáng để học tập và kiếm tiền hay chưa?
Bố mẹ nào kêu tiền học đắt, hãy quản lý chặt chẽ việc chi tiêu của con cái, và thổi vào chúng tinh thần học tập trách nhiệm hơn, khuyến khích con em mình tự trưởng thành và tập kiếm những đồng tiền đầu tiên trong đời xem.
Nếu sinh viên nghèo mà còn lười, và không va chạm nhiều, kém năng động thì không biết thương bố mẹ, không có tài.
Xin có vài lời bên lề, mong người đọc thông cảm nếu chưa đồng tình.