Tại cuộc khảo sát thường niên của tạp chí Conde Nast Traveler (Mỹ), vốn được xem là tạp chí danh giá nhất của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu có nói: "Phố cổ Hội An là điểm đến được yêu thích thứ hai ở châu Á nhưng không phải ai cũng thấy được vẻ đẹp của Hội An".
Tôi đã từng sống 3 năm tại phố cổ Hội An (2004 - 2007). Lúc đó với tôi, Hội An chỉ là những ngôi nhà xưa, cũ và những quán xá tạm bợ. Tôi không hiểu tại sao hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới lại về đây để ngắm nhìn những thứ như vậy? Bẵng đi 4 năm, tôi quay lại thành phố này đi tìm câu trả lời cho mình.
Thời gian trôi qua, tôi nhận thức sâu sắc vẻ đẹp và văn hóa Hội An, tôi hạnh phúc khi cảm nhận được nét độc đáo của vùng đất này đồng thời cũng tìm ra được câu trả lời 4 năm về trước. Tôi xem Hội An như quê hương thứ hai của mình.
Tôi dừng chân tại Hội An sau gần 1 giờ đi xe buýt. Vừa bước xuống xe, tôi bắt gặp nụ cười thân thiện của các bác xe ôm, những cô bán hàng nước… họ làm tôi có cảm giác mình được chào đón sau bao ngày xa cách.
Ngã tư Hai Bà Trưng là cửa ngõ vào phố cổ, ấn tượng đầu tiên trong tôi là đường sạch sẽ và nhiều cây xanh, đi thêm 1 km nữa sẽ đến phố cổ Hội An. Tại đây, trước mắt tôi là không gian sầm uất, tấp nập khách ra vào. Các cửa hiệu may, các quầy hàng lưu niệm, người người đi bộ, các quán ăn vỉa hè, những gánh hàng rong, các bác lái xích lô… tất cả họ đều tỏ ra thân thiện với nụ cười thường trực. Tôi như lặng đi trong chốc lát.
Trước đó, tôi chưa bao giờ nhận ra Hội An đẹp đến thế. Tôi chợt nhớ đến câu nói: “Tại sao phải đi du lịch nước ngoài khi những thành phố đẹp nhất thế giới ở ngay bên bạn?’’. Với tôi, giờ đây Hội An là điểm đến lý tưởng, là vùng đất mang vẻ đẹp tiềm ẩn.
Tiếp tục hành trình, tôi đi qua đường Lê Lợi rồi xuống đường Bạch Đằng, đây là hai con đường dọc bờ sông Thu Bồn. Tại đây, 500 năm trước là một thương cảng sầm uất. Tôi nhắm mắt lại và bắt đầu tưởng tượng về cuộc sống của người dân 500 năm về trước.
Tôi thấy những chiếc thuyền của các thương lái Nhật Bản, Trung Quốc, thấy cảnh tượng buôn bán tấp nập, tiếng gọi nhau í ới của những người đi chợ... Bỗng tiếng gọi của hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc khiến tôi bất giác giật mình trở về thực tại để tiếp tục hành trình.
Bên dòng sông Thu Bồn êm ả, cuộc sống bình dị của người dân chân chất nơi đây vẫn tiếp diễn. Họ đã và đang gìn giữ nét văn hóa, truyền thống của quê hương mình, giới thiệu nét đẹp của Hội An tới bạn bè thế giới.
Tôi yêu Hội An, yêu từ những con người bình dị, mộc mạc, những ngôi nhà cổ, chùa Cầu, những cửa hàng lưu niệm, tiệm may, những bác xích lô, những bà lão bán tò he, heo đất… cho tới bảng hiệu được vẽ bằng phấn, những đêm thả hoa đăng, hát bài chòi, diễn tuồng…
Tôi thích món ăn dân giã của vùng đất này như tào phớ, cao Lầu, bánh tráng, bánh mỳ, cơm gà… tất cả đã làm nên nét văn hóa Hội An, đẹp và thân thiện. Mỗi lần đến đây là mỗi lần du khách có những cảm nhận khác nhau, đúng như câu nói của nhà văn Henry Miller: “Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới”.
Tôi may mắn được làm trong lĩnh vực du lịch, nhiều lần tôi có dịp đưa khách du lịch đến tham quan Hội An, có một điều đáng buồn là rất nhiều du khách nói rằng Hội An không có gì để xem, không có gì đẹp… Càng buồn hơn những người không cảm nhận được vẻ đẹp của Hội An lại là người Việt Nam, trong khi những người nước ngoài vẫn chọn Hội An là điểm đến lý tưởng trên hành trình khám phá những địa dạnh du lịch nổi tiếng thế giới.
Sau này tôi còn đi đến nhiều vùng đất khác nhau ở Đông Nam Á như Singapore, Thailand, Malaysia… Tôi nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, những trung tâm mua sắm và công nghệ giải trí phát triển… nhưng với tôi, không đâu đẹp như quê hương Viêt Nam và Hội An là vùng đất mang vẻ đẹp tiềm ẩn mà không phải ai cũng nhìn thấy được.
>> Xem thêm: Tiệc hải sản giữa biển Bình Tiên