"Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa"! Đề văn năm nay thật "lạ"!
Nếu các thầy cô được ví như những người cha người mẹ của học sinh thì tôi thấy đây không phải là một cách giáo dục, nó giống như một lời "chê bai" đứa con "hư".
Đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện: tại một chủ đề về giáo dục, sau nhiều lời phê bình giới trẻ, một diễn giả đứng lên diễn đàn mở đầu bằng ba câu: "Giới trẻ không thể chấp nhận được, chúng không vâng lời", "Giới trẻ bây giờ chúng quá nông nổi " và "Giới trẻ bây giờ thiếu sự sâu sắc", khán phòng ồ lên vỗ tay.
Nhưng sau đó ông nói tiếp: "Đây là 3 câu nói ở 3 thời điểm: Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, thời thập niên 30, và thời hiện tại... và ở thời điểm nào cũng vậy, cũng có những thế hệ "không vâng lời" và nó mới tạo nên sự phát triển".
Quay lại cái đề văn "lạ" này. Nếu ta phân tích chút về ý của cái đề văn của các thầy cô thì tạm gọi "mê muội" = "ngưỡng mộ" + "không vâng lời".
Không phủ nhận, ngưỡng mộ là nhu cầu của xã hội và cái ranh giới giữa "ngưỡng mộ" với "mê muội" theo tôi chỉ là sự "không vâng lời".
Và giống như câu chuyện trên, dường như giới trẻ thời điểm nào cũng có một chút "không vâng lời" như lứa của chính tôi (bố của lứa tuổi 200x) cũng đã từng mê muội với những giai điệu Rock, đã từng "không vâng lời" để đi xé những chiếc quần bò, để tóc dài... và cuồng say với những âm thanh Heavy Metal và đó là những kỷ niệm đẹp.
Ba tôi - trung tá cảnh sát về hưu (lứa tuổi ông của những học sinh kia) thời trẻ cũng đã từng "mê muội" với những lời văn của Pautopsky và trốn ông nội tôi đi lang thang ra biển Hải Hậu một mình.
Ông đã có một tuổi thơ đầy tự hào để kể cho tôi. Và ông nội tôi (từng làm ở Ban đối ngoại TW Đảng) cũng từng kể trong nhật ký rằng ông đã "mê muội" với một số thần tượng và "không vâng lời" cha đẻ để đi theo con đường riêng, con đường cách mạng. Ông chưa bao giờ thấy hối hận vì điều đó.
Không phủ nhận "mê muội" nó có thể gây nguy hiểm cho bản thân và có một số ảnh hưởng không tốt, nhưng nếu chúng ta đơn giản nghĩ sự "mê muội" nó là một phần của cuộc sống, một phần của giới trẻ thì ta sẽ phải học cách sống chung với chúng!
Một câu chuyện "mê muội" khác tại Mỹ thập niên 70. Khi mà giới Cú Diều đang mải mê với cuộc chiến Việt Nam và tuyên truyền về những sức mạnh tư sản... thì có một lứa với những chiếc quần bò xé, với những giai điệu Rock cuốn hút đến mê muội.
Dĩ nhiên trong số đó có những thứ có thể gọi là tai họa (chưa đến nỗi gọi là thảm họa) những tệ nạn, những cái chết bởi shock ma túy nhưng cũng từ những làn sóng ngầm đầy mê muội đó, có những phong trào vì hòa bình, chống chiến tranh Việt Nam.
Như lễ hội Woodstock 69 với 500.000 thanh niên Mỹ cùng với và những cái tên đi vào lịch sử âm nhạc thế giới như Jimi Hendrix, Santana, The Who..., tất cả cùng với Rock đã lên tiếng lên án chiến tranh Việt Nam. Và nói cách nào đó, chính những sự "mê muội" và "không vâng lời" của giới trẻ Mỹ đã giúp Việt Nam không cô độc.
Quay lại cái "mê muội" của giới trẻ Việt Nam, các thầy cô không nên quá đổ trách nhiệm cho bọn trẻ, không thể trách chúng "mê muội" thần tượng khi trên tivi vào những giờ vàng là những khuôn mặt các ngôi sao thị trường được mài đi mài lại một cách nhẵn thín.
Các thầy không thể trách chúng thích nhạc Hàn, khi âm nhạc ra rả nhạc Hàn, trên các diễn đàn âm nhạc lớn của Việt Nam có những album nhạc Hàn được đặt lên TOP.
Và đến giờ nếu con gái tôi nó "mê muội" một thần tượng nào đó thì tôi cũng sẽ không cấm (mà cấm cũng không được) vì còn hơn là cả tuổi trẻ nó không yêu thích cái gì.
Nhưng chắc chắn tôi sẽ phải đi cùng chúng, giúp chúng có được một cuộc sống "mê muội" an toàn nhất!
Quay lại cái cái đề văn này, tôi chợt thấy tội cho các bạn trẻ. Các thầy cô ở Bộ Giáo dục cũng giống như các bác ở Bộ Văn hóa, đều là người lớn cả.
Việc Bộ Giáo dục giáng một "cái roi" xuống đầu giới trẻ trong môi trường văn hóa như hiện nay, khác gì việc bố và mẹ, người cho tiền trẻ, người mắng trẻ về tội tiêu tiền.
Giáo dục Việt Nam có nhiều lạc hậu với những mớ lý thuyết sáo rỗng, với những điểm kém vì viết sai bài văn mẫu, với những điểm kém vì không vẽ đúng mặt trời màu đỏ, lá cây màu xanh.
Và những người lớn lại vừa chiều chuộng chúng, làm hư chúng và sau đó quay lại mắng mỏ chúng như vậy, phải chăng chỉ để chứng tỏ với hàng xóm là gia đình chúng ta là một gia đình có giáo dục ?!
Thảm họa không phải chỉ là một vài hành động liếm ghế quá khích. Thảm họa là việc giới trẻ đang bị thờ ơ giữa muôn vàn thảm họa!
Tôi viết bài này không phải để bênh những thứ "mê muội". Tôi viết dưới góc nhìn một người cha với đứa con gái của tôi!
Nó cũng sẽ lớn, tôi sẽ dạy nó không liếm ghế thần tượng nhưng tôi cũng hy vọng nó sẽ ngưỡng mộ một thần tượng nào đó và rất có thể đến một mức nào đó sẽ "mê muội" nhưng tôi sẽ không gọi nó là thảm họa. Vì tôi sẽ ở bên nó!
Hiếu Orion