Mới đầu đọc bài “Thạc sỹ Âu Châu về làm nhân viên quèn” , tôi thấy thật là chua chát ở chỗ có vẻ như nhà tuyển dụng không biết trọng dụng nhân tài, nhưng sau một lúc suy ngẫm tôi thấy điều đó chẳng có gì là lạ đối với các bạn trẻ có bằng cấp cao đi xin việc ngày nay.
Tôi thấy các bạn trẻ thời nay ra trường luôn than vãn rằng “học bằng này bằng nọ” mà vẫn không có việc làm, phải chạy chọt nghìn USD hay trăm triệu mới xin được một công việc. Tôi dám khẳng định nếu các bạn biết cách lựa chọn, chấp nhận và có năng lực thực sự thì một xu các bạn cũng chẳng mất.
Các bạn đừng mong "vào những chỗ ngon để sau này xúc cho được nhiều tiền". Nếu các bạn có tư tưởng này thì các bạn đang đánh mất chính mình và cánh cửa tối tăm luôn mở rộng đón các bạn trong tương lai.
Tại sao tôi lại nói như vậy, vì trước hết tôi khẳng định nếu bạn thực sự thất nghiệp hoàn toàn 100% là do chính bản thân các bạn chứ đừng đổ thừa tại xã hội, đất nước hay thời điểm kinh tế khó khăn gây ra. Việc làm không bao giờ thiếu chỉ có các bạn mong muốn làm việc như thế nào và khả năng các bạn đáp ứng được nó hay không.
Vì sao các bạn tốt nghiệp thạc sỹ châu Âu về nước mà lại làm nhân viên quèn, theo tôi nghĩ chắc do các bạn tự đánh giá mình quá cao mà thôi. Các bạn ra trường đều mong muốn vị trí tốt, thu nhập cao cho nên khi không đạt được thì hay ngửa mặt lên trời than thở, đổ cho số mình đen đủi hay nhà tuyển dụng không có con mắt nhìn nhận nhân tài.
Mọi người hãy nhìn nhận một cách khách quan, liệu rằng các bạn sinh viên mới ra trường cho dù là ở trời Tây chưa có kinh nghiệm làm việc, quản lý thì có ai tin tưởng, dám giao cho các bạn làm những vị trí như: giám đốc, CEO, trưởng phòng đại diện... liệu bản thân các bạn có giám làm không và liệu có ai tin cậy để giao cho các bạn những vị trí quan trọng đó? Các bạn có biết gì về nó mà làm không?
Nếu các bạn dám nhận các vị trí đó thì các bạn thật là liều mạng, làm bừa phứa tan nát ngay từ đầu. Làm nhà quản lý thật là khó, rất khó đấy các bạn à. Các bạn đã bao giờ hình dung ra làm quản lý là phải biết tập hợp điều động nhận viên bao nhiêu cho đủ, mỗi nhân công làm công việc đó mất bao nhiêu lâu, người ta cần hỗ trợ những gì để giúp họ hoàn thành công việc, tiêu tốn vào đó những gì tối thiểu và tối đa.
Sau khi họ hoàn thành thì kiểm tra lại bằng cách nào? Chưa nói đến nếu nhân viên chống đối, không tuân thủ điều động, thậm chí đe dọa đến tính mạng thì bạn giải quyết ra sao? Tất cả những vấn đề này đều phải có kinh nghiệm mới xử lý được.
Tôi nghĩ để tìm được công việc phù hợp với chính mình thì trước hết bạn phải xem năng lực của mình có phù hợp với công việc hay không, điều đó chỉ có chính các bạn mới trả lời được. Với những gì tôi đã đi qua nên tôi nghĩ rằng các bạn hãy chấp nhận thực tại, hãy bắt tay vào làm thật tốt, dù công việc hiện tại với bạn chưa phù hợp, thu nhập thấp, vị trí nhỏ bé. Nhưng nó sẽ có ích, giúp bạn va chạm thực tế và có kinh nghiệm trong cuộc sống tích lũy vốn kinh nghiệm để sau này bạn sẽ tìm kiếm được công việc phù hợp hơn, thu nhập cao hơn và vị trí quan trọng hơn.
Bản thân tôi cũng đã từng đặt ra kế hoạch cho mình như sau: 5 năm đầu làm đủ ăn để tích lũy kinh nghiệm, 5 năm thứ 2 là lựa chọn công việc và đàm phán thu nhập, 5 năm thứ 3 là đủ "cứng" để nhìn nhận lại mình...
Một lần nữa tôi khẳng định lại thất nghiệp 100% hoàn toàn là do các bạn. Hãy bắt đầu làm nhân viên để tích lũy thời gian, kinh nghiệm và chuẩn bị sẵn những trang bị cho bản thân, chờ đón một điều may mắn và bạn biết nắm bắt, tận dụng tốt thì tôi tin chắc chắn các bạn sẽ thành công.
Đó là những suy nghĩ của tôi, mong rằng các bạn trẻ sẽ có một cái nhìn khách quan và tự tin hơn sau khi ra trường và có một cái nhìn không bi quan về tương lai.
>> Xem thêm: Thạc sĩ xuất sắc ở Anh về nước lương 2,4 triệu
Vũ Quý Vui (Tambov, Russia)