Không lường hết được hậu quả tâm lý này nên các nhà làm chính sách cứ say sưa thuyết về "Tái cơ cấu" và hậu quả là các ngân hàng từ lớn đến bé đề phải đối mặt với việc mất thanh khoản do vốn huy động liên tục "chảy máu", nguy cơ dường như loáng thoáng đâu đây.
Trước hết nói về ý nghĩa của việc tái cơ cấu, cho tới nay chưa thấy ai hình dung rõ ràng về hình hài thị trường ngân hàng Việt Nam sau tái cơ cấu sẽ như thế nào. Tôi có một nỗi băn khoăn là không biết tái cơ cấu rồi hệ thống ngân hàng có thực sự mạnh lên hay không?
Càng băn khoăn khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có ý định sáp nhập ngân hàng nhỏ lại cho nó lớn lên. Ngân hàng nhỏ đã có vấn đề yếu kém về quản trị, sau một đêm bỗng trở thành người khổng lồ, với những con người cũ, cách làm cũ thì có khác nào người khổng lồ có đôi chân đất sét. Khi đó mỗi ngân hàng, lúc này đã lớn mà có vấn đề về an toàn hoạt động sẽ là thảm hoạ cho nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ rối loạn trước hết là do vai trò của Ngân hàng Nhà Nước đã không được thực hiện đúng. Đã có quá nhiều biện pháp hành chính được đưa ra mà không lường hết được hậu quả của nó đối với nền kinh tế, trong khi vai trò giám sát hoạt động của các ngân hàng để đảm bảo an toàn, đúng pháp luật và các biện pháp kinh điển để điều hành chính sách tiền tệ thì chưa được quan tâm.
Nền kinh tế VN rất thiếu hoạt động ngân hàng. Không khó để thấy các doanh nghiệp, các hộ gia đình nhất là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang thiếu vốn sản xuất, trong khi người dân có tiền vẫn gửi tiền cho các tổ nhóm tín dụng đen, hoạt động phi chính thức, bất hợp pháp gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Những quỹ tín dụng nhân dân với nguồn vốn nhỏ bé, các quỹ hỗ trợ Phụ nữ nghèo của hội phụ nữ VN đã làm rất tốt vai trò này thay cho các ngân hàng dẫu năng lực tài chính của họ có hạn.
Với việc các ngân hàng buộc phải tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng đã buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh hoạt động ở đô thị, nơi nhiều tiềm năng phát triển và bỏ rơi khu vực nông thôn nghèo khó vì hoạt động cho vay nhỏ lẻ có chi phí cao, hiệu quả thấp.
Với ngân hàng nhỏ, khả năng cạnh tranh khách hàng lớn rất thấp nên họ phải tìm hướng đi riêng cho mình, tìm ra các thị trường ngách, nơi các ngân hàng lớn bỏ qua, đó là các khách hàng nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn.
Việc có các tổ chức tín dụng nhỏ liệu có phải là nguyên nhân gây rối loạn hoạt động ngân hàng? Trên lý thuyết, càng nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, nếu thị trường được tổ chức tốt, thì càng gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Khi đó, các doanh nghiệp, cá nhân được hưởng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tốt với giá tốt nhất. Hạn chế các doanh nghiệp tham gia thị trường chỉ làm cho tăng nguy cơ độc quyền, độc quyền nhóm để cho ra sản phẩm kém với giá cắt cổ, huy động rẻ, cho vay đắt, dịch vụ tồi.
Liệu nền kinh tế còn tiếp tục chịu hệ luỵ xấu từ những chính sách kiểu này?
Hùng