Chân thật sinh lời. Trong cuốn "Võ sĩ đạo: Linh hồn của nước Nhật", khi nói đến thói làm ăn tráo trở của lái buôn Nhật bị người châu Âu chỉ trích vào thời đấy, Inazo Nitobe có viết "Vào tháng 11 năm 1880, Bismarck có gửi một thông tri đến các lãnh sự Đức ở nước ngoài, cảnh báo họ về "một sự thật đáng quan ngại về tình trạng các hàng hóa trên các tàu buôn của nước Đức không được tin cậy cả về chất lượng lẫn số lượng".
Ngày nay (những năm 1900), chúng ta hầu như không nghe thấy ai than phiền về sự bất cẩn hay tín trí trá của người Đức trong nghề buôn. Trong vòng 20 năm, lái buôn nước Đức học được rằng là nói cho cùng thì làm ăn chân thật là cách kiếm lời nhanh nhất.
Giờ đây, lái buôn của chúng tôi (nước Nhật), đã lĩnh hội được điều đó. Khi một đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường, thì việc xuất hiện một bộ phận những người muốn kiếm lời trong ngắn hạn bằng thói gian dối, biển lận là dễ hiểu. Dẫu rằng ở những nước nổi tiếng kỷ luật bậc nhất thế giới như Đức hay Nhật cũng vậy.
Thế nhưng người ta học được rất nhanh rằng đến cuối cùng thì uy tín mới là mặt hàng kiếm lời nhanh nhất, vậy nên đến tận ngày nay, hàng hóa Đức hay Nhật Bản vẫn nổi tiếng vì chất lượng của mình. Một bài học nghe có vẻ đơn giản, nhưng phải mất hàng chục năm để một quốc gia thấm được tinh thần ấy.
Cách đây 3, 4 năm tôi có nói chuyện với một doanh nhân đã lăn lộn gần 20 năm buôn bán làm ăn với Nhật, Hàn, Trung. Anh ấy nói "Cái điểm khác biệt giữa làm ăn với người Nhật và người Hàn là: Khi làm ăn với người Nhật thì họ sẽ lôi hết tất cả xấu tốt ra đặt trước mặt mình, rồi bảo: “Đấy, mày làm thì làm không làm thì nghỉ”. Còn làm với người Hàn thì họ sẽ chỉ nói điểm tốt mà không đề cập đến điểm xấu.
Một người bạn Mỹ của tôi đã từng sống nhiều năm ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc có nhận xét: "Cả ở Nhật lẫn ở Hàn, họ đều học "như trâu", nhưng điểm khác biệt là trong giờ kiểm tra, nếu có thể quay cóp mà chắc chắn không bị phát hiện thì người Hàn sẽ làm, còn người Nhật thì không".
Hàn Quốc bắt đầu kinh tế thị trường từ đầu những năm 1960, có thể còn có yếu tố văn hóa ảnh hưởng ở đây, nhưng cho dù chậm hơn Nhật thì với những công ty lớn của họ đang vươn ra toàn cầu, tôi cho rằng họ đã ít nhiều nhận ra rằng thành thật trong kinh doanh không chỉ là vấn đề về đạo đức mà còn về cả lợi nhuận.
Mấy năm nay đọc báo, thấy dư luận trong nước càng ngày càng ca thán về tình trạng chặt chém, lừa đảo khách hàng. Nước ta đi theo kinh tế thị trường chậm hơn người khác cả trăm năm, mà quá trình học hỏi cũng chậm hơn, thì không cách nào đuổi kịp người ta.
Việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chọn bán hàng cho một người khách để lấy 5 đồng thay vì bán cho mười người để lấy của mỗi người một đồng, không phải là một lựa chọn khó hiểu. Nhưng cũng như ở những nước khác, họ sẽ dần dần nhận ra rằng lối ăn xổi, bóc ngắn cắn dài đó không phải là cách kiếm tiền hiệu quả nhất.
Đã có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điều này, nhưng ở trong một môi trường mà số đông chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, họ bị thiệt thòi cả về uy tín chung lẫn về lợi nhuận.
Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ học được bài học mà người Đức hay người Nhật đã học được cách đây hơn 120 năm: "Honesty is the best policy" - "Thật thà là cách làm việc tốt nhất". Nhưng học được càng muộn thì cái giá phải trả càng đắt và bài học càng đớn đau.
>> Xem thêm: 'Trà chanh, chém gió' không phải kinh doanh 'ăn xổi'
Nguyễn Hoàng Thành Doanh
Chia sẻ những bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây.