Ngày hôm qua (16/7), tôi đưa 2 đồng nghiệp từ nơi xa vào ăn trưa ở một quán cơm vốn rất hoành tráng ở thành phố Quảng Ngãi. Lâu ngày gặp bạn, nên ai say sưa nói chuyện mà quên hỏi trước giá cả. Chúng tôi chỉ báo cho nhân viên quán là lấy 3 đĩa cơm không có thịt và chặt riêng thịt gà ra đĩa khác để dễ dùng, cùng 2 lon nước.
Quán mang đĩa thịt gà ra cho chúng tôi gồm có một cái đùi gà, một mảnh lườn chặt miếng (khoảng ¼ con gà 1,5 kg), dưới thịt độn vun lên khoảng 3 lạng rau quế và hành tây.
Chúng tôi vui vẻ nói chuyện, còn khen ngon và khi đó tôi rất tự hào là sẽ còn mời các bạn ở tỉnh khác đến ăn. Bạn tôi hỏi sao họ bán cơm gà mà giàu thế, làm đến 2 cái nhà liền kề, mặt tiền trên đường. Chắc doanh thu một ngày cao lắm.
Câu trả lời có lẽ là rõ nhất khi chúng tôi tính tiền: 3 đĩa cơm, mỗi đĩa khoảng 1,5 chén cơm (nếu thanh niên ăn thật sự thì 3-4 đĩa mới no), một đĩa thịt nhỏ và 2 lon nước chủ quán tính là 330.000 đồng.
Chúng tôi đề nghị kiểm tra lại thì nhân viên quán nói rằng đĩa thịt nhỏ là 250.000 đồng. Chúng tôi không chịu trả tiền vì quán “quá chém”. Ngay lập tức chủ quán mang ½ con gà (hơn 1/2kg) đến nói “bấy nhiêu đây giá là 450.000 đồng”. Tôi nghĩ trời đất chắc cũng không chịu nổi.
Như vậy, chưa tính lòng gà, nước luột gà đã dùng làm canh, một con gà luộc hay nói khác chỉ là cái xác của một con gà, giá đến gần một triệu đồng. Trong khi giá gà vườn, người dân nông thôn bán dưới 100 ngàn đồng/kg.
Tôi định điện mời người bạn bên quản lý thị trường đến, lúc này có nhiều người khách ngồi gần cũng đều gật đầu đồng tình trước phản ứng của chúng tôi. Nhưng nghĩ việc nhỏ, lại xấu hổ trước những bạn xa đến chơi nên tôi đành nộp tiền vì đi “lộn chỗ”.
Khi đi tôi còn có nói với nhân viên quán: “Nếu lấy tiền của người nghèo thì thất đức, còn “chặt chém” khách các nơi đến là thất nhân. Vì làm ảnh hưởng hình ảnh của người Quảng Ngãi mình đó”.
Đến cơ quan làm việc, tôi kể câu chuyện này cho mọi người biết, thì đồng nghiệp tôi cũng than rằng: “hôm trước, cũng 3 người đi ăn trưa bình thường tại quán này, đã bị quán “chặt chém” hết 580.000 đồng vì tội gọi một đĩa thịt gà quên hỏi giá trước”.
Tôi còn nhớ những lần trước vào quán này, tôi gọi nhân viên quán và nói trước là cho một đĩa 100 nghìn đồng cho 3 người dùng hoặc 80 nghìn đồng cho 2 người ăn. Khi đó tính tiền, chủ quán cũng tính lên 150 nghìn đồng/đĩa hay 100 nghìn đồng/đĩa. Nhưng khi nói lại là đã gọi giá trước đó rồi, thì quán mới chịu lấy đúng như giá tôi đã nói.
Vậy rõ ràng là cứ thấy người nào đi công tác hay có công việc giao tiếp, mời khách xa vào ăn nhanh, có khi uống vài lon nước, đến lúc tính tiền thì mới bị quán chặt chém kiểu như vậy. Nhưng ít có ai phàn nàn, nói lại, vì tâm lý ngại với người được mời. Do vậy, việc mời bạn, mời khách hóa ra nộp tiền cho kẻ gian.
Không những thế, tôi đi ăn ở nhiều quán khác ở khu vực thành phố Quảng Ngãi cũng thấy nhiều quán giá cả kiểu trên trời. Đĩa cơm bình dân 30.000 đồng, bún giò, phở, mì quảng 30-35 nghìn đồng/tô… trong khi các tỉnh lân cận, giá ăn uống rất mềm, thật sự là bình dân.
Mới đây tôi đi công tác ở Phú Yên, ăn đĩa cơm sườn chỉ có 15 nghìn đồng, tô bún, phở ngon 20-25 nghìn, lẩu hải sản có giá 80 nghìn... Đặc biệt là họ ghi rõ các bảng giá thức ăn treo bên tường để khi khách ăn xong nhìn vào đó rồi tính. Họ rất trung thực và thái độ giao tiếp của các hàng quán khi biết là khách ở tỉnh khác rất vui vẻ.
Tôi nghĩ đây cũng là điều trăn trở của các ngành chức năng, các nhà quản lý có thẩm quyền, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát và cần tiếng nói công luận của các cơ quan thông tin đại chúng, góp phần làm đẹp hình ảnh quê hương đất nước mình.
>> Xem thêm: Trà chanh vỉa hè 'chặt chém' 270.000 đồng
Trịnh Công Nhận
Chia sẻ những câu chuyện về đời sống, xã hội của bạn tại đây.