Trước khi quán Bích Liên bị sụp, ngày 30/6 bờ kè phía sau Trạm Quản lý đường sông số 2 (phường 26, quận Bình Thạnh) cũng bị sạt lở một đoạn dài 35 m, rộng 2 m. Hơn 10 căn hộ ở chân cầu Kinh cũng bị đe dọa từ lâu bởi những vết nứt kéo dài cả chục mét từ bờ sông vào đất liền.
Nói về nguyên nhân gây sạt lở, ông Mãnh cho biết thêm, kênh Thanh Đa được đào để nối tắt sông Sài Gòn, rút ngắn khoảng cách từ cầu Bình Triệu đến cầu Sài Gòn từ 11 km xuống còn 1 km. Mặt cắt ngang của kênh chỉ rộng bằng 1/3 sông nên dòng chảy ở nút cổ chai này được đánh giá là nguy hiểm nhất trong tất cả các tuyến sông, kênh, rạch ở thành phố.
Ông Lê Thành Bảo Đức, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, cho biết tháng 6-7 hằng năm là thời điểm dễ xảy ra sạt lở nhất vì đây là thời kỳ chân triều thấp nhất trong năm, gây mất cân bằng về áp lực giữa bờ và khối lượng nước ngoài sông.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hữu Nhân, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, quyết định không cho phép kinh doanh hoặc xây cất mới, kể cả việc đóng cừ, xây kè tại những khu vực sạt lở. Quận và phường đang lập danh sách tất cả các cơ sở kinh doanh của khu vực này, nắm rõ tình trạng hoạt động (có phép hay không phép, có lấn chiếm sông rạch hay không) của từng quán. Từ đó đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể, có thể là rút giấy phép kinh doanh hoặc đặt bảng thông báo trước cửa các quán có nguy cơ sạt lở để mọi người biết. Những trường hợp cố tình vi phạm hoặc chống đối có thể bị khởi tố.
Về lâu dài, quận kiến nghị thành phố sớm có kế hoạch giải tỏa, tái định cư cho toàn bộ số hộ sống trên và ven sông rạch vòng quanh bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, giống như khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Do vậy, để chấm dứt tình trạng lấn chiếm sông rạch hiện nay, thành phố cần có dự án cụ thể xây kè, làm đường ven sông.
(Theo Thanh Niên)