Thật thú vị khi đọc hàng loạt các ý kiến của các bạn về đề tài "Mình nghèo mà xài sang quá" trên Bạn đọc viết.
Tôi xin phép được góp mặt với vài hàng tự giới thiệu như sau: độ tuổi U.55; tình trạng gia đình là 1 vợ và 3 con (lớn nhất 25 tuổi và nhỏ nhất vừa thi đại học); kinh nghiệm làm việc là 35 năm (5 năm công ty quốc doanh, 5 năm công ty liên doanh, 10 năm công ty nước ngoài và 5 năm công ty cổ phần, chưa kể 6 năm làm NVQS); thu nhập hiện nay không hơn 10 triệu đồng/ tháng (chưa kể cả các khoản thu ngoài lương khác); ngành nghiên cứu tiếp thị và phát triển thị trường.
Tôi cho rằng mọi người đều có quyền nêu lên ý kiến của mình. Sự khác nhau nếu có là từ góc nhìn của người đó như độ tuổi, tình trạng gia đình, kinh nghiệm và vị trí làm việc, thu nhập … Diễn đàn càng có nhiều ý kiến chúng ta càng thấy được nhiều góc nhìn khác nhau về đề tài. Từ học sinh đi làm NVQS, xuất ngũ tiếp tục đi học rồi đi làm như quá trình kể trên, công việc của tôi thường phải trao đổi với các sếp và các đồng nghiệp người nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch Á, Âu và cả Mỹ nữa … nên kinh nghiệm kể ra cũng tàm tạm nên mạn phép góp ý như sau.
Muốn việc kinh doanh được thành công điều kiện ắt có và đủ phải là nghiên cứu thị trường càng kỹ lưỡng càng tỉ mỉ thì kế hoạch kinh doanh càng có khả năng thành công cao. Tôi có dịp làm việc với nhiều doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc và Nhật Bản và phải ngả mũ khâm phục triết lý kinh doanh và tiêu dùng của họ. Thái độ trong sinh hoạt của họ đã tạo một nét văn hóa đẹp cho công ty mà trong đó có tôi – một người bản xứ làm thuê ăn lương. Đó là cách sử dụng các tiện ích phục vụ công việc.
Điện thoại công ty chỉ dùng vào việc công ty, sử dụng thời lượng có chừng mực. Máy tính dù luôn kết nối internet nhưng hầu như chẳng có ai chát chit việc riêng. Điện thoại di động vẫn là những kiểu dáng với chức năng thông thường và đương nhiên phải là thương hiệu của đất nước họ. Trừ các vị bên bộ phận liên quan đến marketing và đối ngoại thì khỏi nói, phải là những cái hiện đại nhất.
Các bạn biết không? Chỉ với mảng nghiên cứu tâm lý tiêu dùng, chúng tôi đã phải làm việc cật lực nhiều tháng trời trên phạm vi cả nước để cung cấp thông tin cho bộ phận thiết kế mẫu mã và quảng cáo cho một sản phẩm tương lai. Kết quả là gì? Họ đã thành công trong nắm bắt thị hiếu khách hàng và đáng nể hơn họ đã xây dựng được chiến lược lôi kéo khách hàng chạy theo mua sắm sản phẩm của họ. Bằng chứng là hàng loạt các sản phẩm rất đa dạng về mẫu mã kiểu dáng của Hàn Quốc đã rất ăn khách tại nước ta, trong khi ở các nước khác rất ít người biết và dùng đến - đánh giá này dựa trên báo cáo doanh số các sản phẩm tiêu thụ trong khu vực.
Một trong các nhận định chung khá xác đáng của bộ phận nghiên cứu thị trường của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nước ngoài làm ăn tại Việt Nam mà nếu tôi nói ra đây chắc hẳn sẽ có rất nhiều người nổi cơn tự ái dân tộc, nhưng phải thế thôi.
Chỉ có cách điều chỉnh lại thái độ tiêu dùng thì chúng ta mới giàu và kinh tế đất nước mới mạnh. Điều đó như sau: người địa phương (ý nói người Việt Nam) khi mua sắm thích chọn mặt hàng hoặc bằng hoặc khác với người chung quanh đang có, có biểu hiện muốn được người chung quanh nhận xét là chịu làm và chịu chơi.
Ở người trẻ tuổi thành thị chịu ảnh hưởng khá mạnh văn hóa nước ngoài, có tâm lý mua sắm đua đòi, bạn bè có thì mình cũng phải có cộng với sự chiều chuộng của cha mẹ trong một số gia đình có thu nhập khá trở lên.
Cuối cùng, tôi muốn gởi đến những bạn đang được khen là người sành điệu một thông điệp hãy rà lại ý thức tiêu dùng của mình, vì cái tiếng khen sành điệu của bạn còn kèm theo một ý nghĩa khác không đẹp chút nào mà ngành chúng tôi thường gọi là “bạn đã bị dụ”. Người ta ngày càng giàu lên vì bạn tự nguyện móc tiền mua hàng của họ đấy! Và bạn ơi, chỉ sành điệu vài tháng thôi vì chỉ vài tháng sau lại có mẫu mã mới nữa rồi.
Nguyễn Cung Hoàng