Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển. |
- Trong các buổi thảo luận luật và nghị quyết vừa qua, các đại biểu vẫn mất nhiều thời gian tranh cãi câu chữ. Theo ông làm thế nào để khắc phục?
- Các đại biểu Quốc hội là chính khách, quyết định những vấn đề lớn, chứ không phải là người viết văn. Đây là việc của các cơ quan giúp việc của Quốc hội, làm sao thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các đại biểu. Tới đây Ủy ban Thường vụ sẽ nghiên cứu tổ chức ban công tác lập pháp để phụ trách những việc mang tính kỹ thuật này, nhằm rút ngắn thời gian tranh luận câu chữ của các đại biểu, đẩy nhanh tốc độ làm luật. Cứ tiếp tục như hiện nay, Quốc hội sẽ không thể làm được những luật lớn, có thể tới hàng trăm điều.
- Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân là đại biểu chuyên trách chưa được tham gia nhiều vào quá trình chuẩn bị các văn bản để trình Quốc hội?
- Luật Tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, quy định 1/4 đại biểu là chuyên trách, nhưng chưa có quy chế riêng cho đối tượng này. Tới đây Ủy ban Thường vụ sẽ bàn bạc, xin ý kiến của các đại biểu chuyên trách và Quốc hội xác định rõ trách nhiệm của họ, khác thế nào với đại biểu kiêm nhiệm, để họ có thể giúp Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Từ khi được bầu đến nay mới có 5 tháng, tạm thời đại biểu chuyên trách địa phương phụ trách tổ chức cho các đại biểu trong đoàn tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến phản ánh lên Ủy ban Thường vụ. Còn chuyên trách ở trung ương, được phân về hội đồng và các ủy ban của Quốc hội, thì đã bắt đầu vào cuộc. Việc ở trên này rất nhiều, làm không xuể được. Như ở Ủy ban Pháp luật chúng tôi, mọi người làm cả ngày cả đêm.
- Thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, hầu hết đại biểu cho rằng giám sát là mảng công tác yếu nhất của cơ quan quyền lực. Ông nghĩ sao?
- Giám sát của Quốc hội chưa hiệu quả, nhưng cần phải hiểu là Quốc hội chỉ giám sát tối cao, không thể làm thay cho các cơ quan hành pháp, tư pháp được. Chính các cơ quan này, trong quá trình hoạt động, phải tự thanh tra, kiểm tra để sửa chữa sai sót, đề xuất với cơ quan chức năng ban hành chính sách... Còn giám sát của Quốc hội giống như bấm huyệt, chọn vài điểm để xử lý những vấn đề của cả hệ thống.
- Nhưng Hiến pháp quy định Quốc hội chỉ giám sát tối cao. Vậy làm sao để khỏi sa vào những vụ việc vụn vặt?
- Không nên nghĩ là Quốc hội không giám sát những vụ việc cụ thể. Bởi phải từ những trường hợp cá biệt đó mới rút ra được những vấn đề lớn hơn. Cũng không phải là việc gì Quốc hội cũng giám sát, mà thường là những vụ điển hình. Như Ủy ban Pháp luật đã làm: Quốc hội hỏi, cơ quan chức năng trả lời là xử lý đúng. Nhưng theo hồ sơ nghiên cứu thấy chưa chuẩn xác, Ủy ban phải xuống kiểm tra tận cơ sở. Làm vậy để phát hiện ra là cơ quan đó làm việc chưa nghiêm túc, yêu cầu họ khắc phục. Cũng có thể thông qua giám sát, nếu phát hiện những hiện tượng mang tính phổ biến thì Quốc hội có thể chọn kiểm tra một vài vụ việc cụ thể để phân tích, đưa ra giải pháp khắc phục.
Cụ thể về chức năng của giám sát thì phải tiếp tục nghiên cứu. Ủy ban Thường vụ khi đưa ra dự luật chỉ vạch một vài nội dung chính để Quốc hội thảo luận. Sau kỳ họp này, các đoàn tiếp tục nghiên cứu, góp ý. Ban soạn thảo sẽ cùng đại biểu chuyên trách cả ở trung ương và địa phương họp tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua luật tại kỳ họp sau.
- Nhiều đại biểu cho rằng dự luật này chưa làm rõ hậu quả pháp lý của giám sát. Theo ông, hậu quả pháp lý ở đây là gì?
- Tập trung ở chế định bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu qua giám sát mà thấy các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn có hoạt động sai trái thì tùy mức độ có thể đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm với cá nhân đó. Điều này đã quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội mới rồi, Nội quy, Quy chế mới thông qua cũng ghi nhận.
- Nhưng theo ông Nguyễn Lân Dũng, khó mà tập hợp được 20% đại biểu đề nghị bỏ phiếu?
- Đây chỉ là một trong nhiều con đường dẫn đến việc xem xét mức tín nhiệm với một chức danh. Theo luật, ngoài ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có thể tự mình, hoặc theo kiến nghị của hội đồng và các ủy ban quyết định trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Riêng kênh ý kiến đại biểu, theo tôi khó xảy ra trường hợp cùng lúc 20% đại biểu chung ý kiến. Còn nếu một người đi vận động để bỏ phiếu bất tín nhiệm ai đó thì là sai. Bởi đây là chính kiến của từng đại biểu. Qua hoạt động giám sát của mình mà thấy một vị nào đó chưa hoàn thành nhiệm vụ thì các đại biểu tự mình phát biểu ý kiến, đề xuất với Ủy ban Thường vụ để tập hợp lại. Trước đây khi thảo luận vấn đề này cũng có ý kiến là cần định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng không nên như vậy, bởi phải quy định làm sao để bất cứ lúc nào có chuyện là có thể bỏ phiếu ngay.
Nghĩa Nhân