Chủ nhiệm dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cam Bù Hương Sơn” cho sản phẩm cam quả của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”, Ông Nguyễn Huy Lâm, Sở Khoa học và công nghệ Hà Tĩnh khẳng định, Cam Bù là giống cam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là loại cây ăn quả chất lượng cao và được đưa vào danh mục các loại cây ăn quả đặc sản quý cần bảo tồn quỹ gene. Đặc biệt, mỗi khi tết đến, Cam Bù mang lại giái trị kinh tế rất cao cho người dân Hương Sơn- Hà Tĩnh…
Ông Nguyễn Huy Lâm cho biết, Cam Bù ở Hương Sơn được trồng chủ yếu ở các xã Sơn Trường, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Trung, Sơn Kim, Sơn Tây và Sơn Lĩnh có đặc điểm là quả hình cầu, vỏ nhẵn và dầy, trọng lượng bình quân 250g/quả chiếm 60-70%. Khi chín có mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt, mã quả có màu đỏ da cam, nhiều nước, tép quả và nước quả có màu hồng. Năng suất bình quân 30-70kg/cây; cá biệt có những cây cho năng suất 100-200 kg/cây. Không như các giống cam khác, Cam Bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế rất cao, giá 1kg Cam bù 70.000- 100.000 đồng/kg. Do đó, Cam Bù là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Hương Sơn, là sản phẩm đặc sản mà tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích phát triển, tập trung sản xuất theo hướng hàng hoá chất lượng cao phục vụ mục tiêu xuất khẩu, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân huyện Hương Sơn.
Xác định được những tiềm năng, lợi thế của cây Cam Bù trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã có chiến lược cụ thể phát triển cây Cam Bù trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1235/QĐ-Ủy ban nhân dân về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các loại cây trồng vật nuôi chủ yếu tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020, trong đó kế hoạch sản xuất cây Cam Bù trong thời gian tới là tập trung phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng Cam Bù lên 1.177 ha vào năm 2020, tập trung ở 2 huyện Hương Sơn 982 ha và Vũ Quang 195 ha. Tập trung, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hoá, phát triển các trang trại sản xuất Cam Bù có quy mô, sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhận thấy lợi ích của việc bảo tồn và phát triển sản phẩm Cam Bù, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hình thành nên các tổ chức nông dân sản xuất và kinh doanh Cam Bù nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế cũng như nhằm chống và ngăn chặn các hành vi sử dụng thương hiệu gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm và để duy trì, phát triển thị trường bảo vệ quyền lợi của người sản xuất.
Vì vậy, Ngày 18/6/2008, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1216/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt Danh mục các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để tuyển chọn thực hiện trong 2 năm 2009-2010, trong đó có dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cam Bù Hương Sơn cho sản phẩm cam quả huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”.
Thông qua dự án, sản phẩm Cam Bù của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã được nhà nước bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận “Cam Bù Hương Sơn”, giúp người dân vùng trồng Cam Bù Hương Sơn cũng như các xã viên Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh Cam Bù nâng cao nhận thức pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; kỹ khả năng điều hành, quản lý và tổ chức sử dụng nhãn hiệu chứng nhận góp phần tăng sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Hiện nay, Cam Bù Hương Sơn đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, qua đó từng bước nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương. Nhãn hiệu chứng nhận “Cam Bù Hương Sơn” được triển khai thực hiện đã khẳng định danh tiếng, tính chất, chất lượng và đặc thù của sản phẩm. Là cơ sở để quản lý và phát triển uy tín, danh tiếng, hiệu quả của đặc sản Cam Bù, góp phần khôi phục và phát triển vùng sản xuất.
Cam Bù là đặc sản mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân Hương Sơn. |
Ở Hương Sơn, số hộ nông dân có mức thu 30 triệu đồng/năm từ cây Cam Bù là không ít. Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội khoa học –kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết: Từ giá trị của giống Cam Bù nói trên, vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển trồng mới 1.200 ha Cam Bù từ nay đến 2015 ở 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng. Cũng theo ông Nhuận, tỉnh đã giao cho các nhà khoa học phải tập trung nghiên cứu, trừ diệt dứt điểm bệnh lá vàng gân xanh và bệnh tàn lụi thường gây tổn thương cho loài cây đặc sản quý hiếm này.
Sơn Trường là một trong những xã đứng hàng đầu về diện tích cây Cam Bù, ông Lê Xuân Cúc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Toàn xã hiện có trên 110 ha Cam Bù, chủ yếu tập trung ở các xóm 3, 5, 6, 7, 8, 9... Ngoài phát triển ở các trang trại ra, nông dân Sơn Trường còn trồng cam ở vườn nhà để tăng thêm thu nhập, cũng theo Chủ tịch xã; hầu hết các hộ dân Sơn Trường ai cũng trồng cây Cam Bù. Đây là cây ăn quả đặc sản, đưa lại giá trị kinh tế rất lớn, bình quân 1 ha cho thu nhập 70-100 triệu đồng, vườn cây nào được chăm sóc tốt thu nhập đạt hàng tỷ đồng/ha/năm.
Tại mô hình trang trại trồng cam của gia đình Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Văn Hợi cho biết, “Hợp tác xã của tôi có 15 thành viên, sản xuất trên 6 ha cam với trên 2.500 gốc, riêng gia đình tôi trồng hơn 400 gốc, 5 năm lại nay, trừ hết các chi phí, gia đình tôi còn lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm, cũng nhờ cây cam mà nay nhà tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc hơn".
Cũng theo anh Hợi, “cây Cam Bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn, gấp 10-20 lần so với các cây trồng khác. Trong ngày tết, Cam Bù là sản phẩm phù hợp để thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa; phong tục ngày tết của người Hà Tĩnh, thiếu gì thì thiếu chứ đĩa Cam Bù đặt lên bàn thờ là không thể thiếu được".
Trang trại Cam Bù gia đình anh Nguyễn Xuân Linh ở xã Sơn Mai là một trong những trang trại cây ăn quả lớn nhất nhì huyện Hương Sơn. Năm 2003 gia đình anh vay vốn ngân hàng đầu tư vào 10 ha cây ăn quả gồm cam, chanh... Sau 3 năm, bỏ công chăm sóc, vườn cây ăn quả nhà anh bắt đầu cho thu nhập dần đi vào ổn định. Riêng sản phẩm Cam Bù mỗi năm cho thu nhập 20-23 tấn/ha, với giá bán hiện nay 100 nghìn đồng/kg, gia đình anh cũng lãi ròng trên 2 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, cam được mùa lại được giá nên 10 ha cây ăn quả đã mang về cho gia đình anh trên 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của huyện Hương Sơn, từ năm 2005 đến nay, diện tích trồng Cam Bù tăng chậm, nguyên nhân là do tình hình sâu bệnh nhiều (đặc biệt là bệnh Greening). Những diện tích trồng cũ đã và đang bị thoái hóa do bệnh Greening, hiện nay Cam Bù được phát triển mạnh tại những vùng đồi vùng thượng huyện theo quy mô trang trại, có sự cách ly với các vùng bị bệnh, nhằm tiếp tục bảo tồn, phát triển đặc sản quê hương.
Vì vậy để bảo tồn và phát triển giống Cam Bù đặc sản này, năm 2011 Bộ Khoa học công nghệ cũng đã phối hợp với Viện rau quả Trung ương tổ chức chương trình tuyển chọn giống cây đầu dòng để cung ứng cho bà con; tỉnh và huyện cũng đã xây dựng các chuyên đề phát triển cây ăn quả truyền thống trong đó có cây Cam Bù gồm: xây dựng nhà kính, nhà lưới để tuyển chọn giống; hỗ trợ dân vay vốn; tuyên truyền để người dân phát triển cây Cam Bù; hỗ trợ tập huấn Khoa học kỹ thuật; cùng với người dân xây dựng thương hiệu Cam Bù thành sản phẩm hàng hoá, phấn đấu đưa Cam Bù thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế của tỉnh. Đồng thời sẽ hình thành được một mạng lưới chuyên gia hoạt động để hỗ trợ, phổ biến và hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện các chính sách về phát triển nhãn hiệu, nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trên thị trường các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Theo Đất Việt