Chị Mai Tuyết Minh, 45 tuổi, lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện ngoại thành Sơn Tây, Hà Nội. Những năm tháng nỗ lực không mệt mỏi của tuổi trẻ giúp chị thăng tiến, trở thành trưởng phòng mua sắm của một khách sạn 5 sao.
Vừa đi làm thuê, chị vừa mở hai công ty riêng chuyên về xuất nhập khẩu. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng giúp chị mua được năm bất động sản ở những vị trí đẹp nhất Hà Nội.
"Tôi từng xác định sẽ ở thủ đô lâu dài vì nghĩ chỉ có thành phố mới cho mình nhiều cơ hội kiếm tiền'', chị nói.
Nhưng biến cố ập đến vào năm 2015. Chị Minh bị bệnh, phải cắt toàn bộ túi mật. Hai năm sau đó, cơ thể chị liên tục bị mẩn ngứa. ''Tôi như cái máy dự báo ô nhiễm không khí. Cứ khi nào tôi ngứa ngáy là hôm sau chỉ số AQI chuyển tím (màu cho thấy chất lượng không khí cực kỳ ô nhiễm)", chị kể.
Chị Minh phải uống thuốc chống dị ứng liên tục, hễ dừng thuốc hôm sau lại nổi mẩn. Bác sĩ nói nếu chị uống thuốc nhiều như vậy thì gan cũng sớm hỏng. Gan yếu, da lại càng nổi mề đay, mẩn ngứa. ''Môi trường càng ô nhiễm, tình trạng dị ứng da càng trầm trọng'', chị nói.
Cuộc sống của người phụ nữ U40 biến thành địa ngục. Dị ứng khiến chị không thể tập trung vào công việc, không có động lực thức dậy mỗi ngày. Con trai chị đang học cấp ba cũng bị viêm mũi dị ứng mãn tính, thường xuyên phải uống kháng sinh. Mẹ đẻ chị có dấu hiệu sa sút sức khỏe nghiêm trọng, về sau mới biết bà bị ung thư phổi. Bố chị bỗng nhiên đột quỵ, luôn bị khó thở.
"Tôi muốn phát điên, muốn đập phá cái gì đó. Tôi không còn thiết tha gì nữa, muốn buông hết, cảm giác tiền của, địa vị không còn ý nghĩa gì nữa", chị nói.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục gia tăng trong khoảng 10 năm trở lại đây, bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%.
Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội tháng 8/2021 của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp với trường Đại học Y tế Công cộng, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, riêng năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, chiếm 12% tổng số trường hợp trên 25 tuổi. Tổng số năm sống (tiềm tàng) bị mất của người dân là 79.933 năm và kỳ vọng sống bị mất do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 908 ngày, giảm khoảng 2,49 tuổi.
Đáng chú ý, sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội khiến mỗi năm có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 trường hợp do hô hấp, lần lượt chiếm 1,2% và 2,4% tổng số ca bệnh.
Để thoát khỏi sự ngột ngạt của Hà Nội, chị Minh cùng con trai xách ba lô đi dọc các vùng biển từ Bắc vào Trung cả tháng trời. Hai mẹ con nhận ra càng đi, sức khỏe càng cải thiện đáng kể.
Một lần dừng chân ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa, con trai chị Minh ngửa mặt lên trời, thốt lên: "Lần đầu tiên trong đời con thấy trời nhiều sao thế!". Bất giác chị giật mình, nhận ra đã rất lâu không nhìn thấy bầu trời trong vắt hay những đêm trăng sáng như ban ngày. Hà Nội nơi chị sống lúc nào cũng mù mịt vì bụi khói, với những tòa nhà cao chọc trời.
"Bỗng nhiên tôi thấy thương con thiệt thòi'', người mẹ nói.
Vịnh Vân Phong là nơi có những dải san hô đẹp nhất trong tất cả những vùng biển trên thế giới chị từng đặt chân. Nơi đây có bãi cát trắng thoải, trải dài, nước êm. ''Tôi nằm thiền cả giờ đồng hồ mở mắt ra vẫn thấy mình ở yên vị trí đó'', chị nói.
Đúng hôm đó, chị Minh biết có một căn nhà nhìn ra biển đang rao bán nên đến xem và đặt cọc mua sau 15 phút. Hôm sau, chị trả đủ tiền.
Kết thúc chuyến đi, hai mẹ con trở lại Hà Nội và tiếp tục bị chứng dị ứng hành hạ. Lúc này chị Minh nghĩ đã đến lúc cần rời khỏi thủ đô.
Năm 2018, chị bán bốn trong số năm căn nhà, đóng cửa hai công ty và nộp đơn xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và phản ứng của bố mẹ. ''Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm thế nào để sống khỏe mạnh, vui vẻ'', chị nói.
Về biển, sáng sáng chị đi bơi rồi về một mình sửa sang lại ngôi nhà mới mua, đọc sách, trò chuyện với xóm giềng, nấu ăn. ''Tôi không còn mẩn ngứa, con trai cũng hết viêm mũi mà không cần dùng một viên thuốc nào'', chị nói.
Gần đây, chị đón bố, ông Mai Trịnh từ Hà Nội vào sống cùng. Hàng ngày ông ra biển bơi, ngắm bình minh lên và đợi hoàng hôn xuống, đọc sách, trò chuyện với người dân làng chài. Từ một người phải nằm một chỗ, ngày nào gọi cho con gái cũng nói "ngày mai tao chết'', nay ông có thể đi dạo bộ, muốn tìm người yêu.
''Sống ở Hà Nội ngột ngạt và bí bách, nay về đây, không khí trong lành, tôi thấy mình khỏe ra, huyết áp ổn định hẳn'', ông Trịnh nói.
Chị Trà Giang, 33 tuổi, nhân viên của chị Minh ở khách sạn JW Marriott từng ngạc nhiên khi sếp quyết định nghỉ việc đột ngột, chuyển vào Khánh Hòa. Năm ngoái, có cơ hội gặp lại sếp cũ, Trà Giang thấy chị Minh khác hẳn thời điểm nghỉ việc.
''Hồi đó, chị luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thi thoảng cáu gắt. Nhưng nay chị hướng ngoại hơn, vui, trẻ và tràn đầy năng lượng'', Trà Giang nói.
Khi sức khỏe thể chất và tinh thần tốt lên, năng lượng đầy trở lại, chị Minh lại muốn làm việc. Thấy vịnh Vân Phong đẹp, chị mở homestay, kéo khách du lịch đến vùng đất này. Đồng thời, chị thành lập một công ty ở Việt Nam và một công ty ở Italy.
''Thu nhập của tôi bây giờ gấp nhiều lần thời ở Hà Nội'', chị nói. Con trai chị theo học online từ khi Covid-19 vẫn đậu vào trường ĐH Bách Khoa Italy.
Người phụ nữ Hà Nội thấy mình sống vui và có ý nghĩa hơn, khi giúp được nhiều người dân Vân Phong có công ăn việc làm, thay vì lên thành phố kiếm sống, như chị đã từng. Chị cũng xây dựng được mạng lưới mối quan hệ rộng khắp trên thế giới, dù làm việc online.
Người phụ nữ bỏ phố về biển tin chỉ cần có sự chăm chỉ và sáng tạo, ở đâu cũng có thể thành công. Suy nghĩ ở thành phố mới thành công khiến mọi người đổ dồn đến, không chỉ gây không khí ô nhiễm, mà còn vô tình gây áp lực lên mọi dịch vụ phụ trợ.
''Tôi nhận ra không phải cứ ở Hà Nội mới có thể làm giàu'', chị nói.
Phạm Nga