Phun hoá chất khử khuẩn |
Tình huống thứ nhất là phun hoá chất khử khuẩn toàn thành phố. Khi dịch cúm gia cầm xảy ra và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, tại các quận, huyện nơi có điểm bùng phát dịch, yêu cầu chủ chăn nuôi tiêu huỷ tại chỗ toàn bộ gia cầm mắc bệnh cũng như gia cầm nuôi nhốt chung, lập chốt gác khoanh vùng, thực hiện chính sách hỗ trợ gia cầm tiêu huỷ, liên tục phun hoá chất tiêu độc mỗi ngày một lần, ra lệnh cấm ấp nở và chăn nuôi gia cầm mới, cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra ngoài khu vực thuộc phạm vi địa phương đó quản lý, quản lý chặt các đàn gia cầm, thuỷ cầm.
Ngoài ra, phải tiến hành cấp phát cho mỗi hộ chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ít nhất 1 loại ấn phẩm tuyên truyền hướng dẫn cách phát hiện, phòng, chống cúm gia cầm. Mỗi quận, huyện phải thành lập ít nhất 2 đoàn kiểm tra, giám sát dịch cúm tại các địa phương, đảm bảo 10 ngày kiểm tra một lần để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, phải tiến hành tiêm văcxin cúm và giám sát chặt quá trình tiêm phòng, tăng cường kiểm dịch vận chuyển, lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 2, 3, 5, 6, Láng - Hoà Lạc, 32, Thăng Long - Nội Bài, trực 16/24 giờ mỗi ngày và tại các chợ đầu mối như Hải Bối, Tó, Đông Anh, Long Biên, Thành Công, Láng Hạ, Mơ, Hôm - Đức Viên, Đền Lừ, Diễn, Nhổn, Ngọc Hồi.
Những người tham gia phòng, chống dịch cúm phải được trang bị quần áo phòng hộ an toàn, có kế hoạch khám, giám sát sức khỏe và tiêm phòng, phát động tổng vệ sinh toàn TP mỗi tuần 1 lần, và phun khử khuẩn bằng hoá chất chloramin B trong 4 tuần.
Tình huống thứ hai là hạn chế họp và các buổi tụ tập đông người. Khi dịch cúm đã gây bệnh cho người và xác định có lây lan từ người sang người, sẽ phải triển khai khẩn cấp các biện pháp: Giảm các cuộc họp không cần thiết và các buổi tụ tập đông người, phun hoá chất tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm mỗi ngày một lần, tiêu huỷ toàn bộ các loại gia cầm trên địa bàn phường, xã có ổ dịch cúm gia cầm tái phát, cấm hoàn toàn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; thành lập thêm các chốt kiểm soát vận chuyển tại các quốc lộ, tỉnh lộ dẫn vào nội thành, tạo vành đai khép kín ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm ngoại tỉnh vào Hà Nội.
Tình huống ba là tiêu huỷ toàn bộ gia cầm trên địa bàn TP, thực hiện lệnh giới nghiêm. Đây cũng là tình huống xấu nhất, đó là khi bùng phát đại dịch cúm gia cầm ở người, ngoài những biện pháp như ở tình huống 2, sẽ bổ sung thêm một số biện pháp khẩn cấp và triệt để như tiêu huỷ toàn bộ gia cầm, thuỷ cầm trên địa bàn thành phố, thực hiện lệnh giới nghiêm. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phong toả vùng dịch phụ cận và biện pháp khẩn trương trong tình thế bất khả kháng.
(Theo Lao Động)