Nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Minh Thuyên sinh 1970, ở phường Tấn Tài, thị xã Phan Rang, Ninh Thuận. Theo đơn khiếu nại, chị Thuyên kết hôn với anh Nguyễn Vĩnh Phúc (sinh 1969) ngày 22/5/1995. Tháng 6 năm đó, anh Phúc được gia đình bảo lãnh sang Mỹ. Cuối năm 1999, chồng chị về Việt Nam và kết hôn với chị Trang (sinh 1980). Chị Thuyên đề nghị cơ quan pháp luật Việt Nam hủy hôn nhân này.
Thế nhưng thủ tục kết hôn của anh Phúc và chị Trang lại được sự chấp nhận của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, khi cơ quan này đánh công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận kết hôn cho anh Phúc. Đề nghị này được tỉnh chấp nhận.
Theo lập luận của các cơ quan nói trên, căn cứ để cho phép anh Phúc "xây dựng cuộc sống mới" là bản án chung thẩm ngày 22/7/1997 của Tòa thượng thẩm quận Whitfield, tiểu bang Goergia, Mỹ: “Tòa chấp nhận cuộc ly hôn giữa Nguyễn Vĩnh Phúc và Nguyễn Thị Minh Thuyên, và tuyên bố rằng, giao ước hôn nhân trước đây giữa các đương sự trong hồ sơ này hoàn toàn bị phá vỡ, không còn giá trị...”. Cũng dựa vào bản án này, ngày 13/5/1998, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã ra công văn gửi Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, chứng nhận việc anh Phúc xin kết hôn với công dân Việt Nam. Song thực chất công văn đề nghị giải quyết đơn xin kết hôn của anh Phúc theo pháp luật Việt Nam.
Theo các chuyên gia về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, cuộc hôn nhân mới của anh Phúc chỉ hợp pháp khi bản án của Tòa thượng thẩm Whitfield được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, tức là việc ly hôn của anh Phúc, chị Thuyên được phía Việt Nam chấp nhận. Thế nhưng Việt Nam và Mỹ lại chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, nên bản án của tòa án Mỹ không thể mặc nhiên có hiệu lực ở Việt Nam. Như vậy, hôn nhân Phúc - Thuyên vẫn hợp pháp và chị Thuyên có toàn quyền đề nghị hủy hôn nhân mới của chồng chị với cô Trang.
(Theo CAND)