Ông Nguyễn Đình Trung (Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP HCM) vừa ký quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm đại án Phạm Công Danh giai đoạn hai - gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ của VNCB.
Trong phán quyết hôm 6/8, TAND TP HCM buộc CB (VNCB sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng) hạch toán trả lại 4.500 tỷ đồng cho ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Bởi số tiền tăng vốn điều lệ này đã được ông Danh chuyển về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN, sau đó chỉ đạo sử dụng hết với tư cách là Chủ tịch HĐQT nhà băng chứ không phải tư cách cá nhân như cáo trạng truy tố.
Không đồng ý quan điểm này, bản kháng nghị của VKSND Cấp cao cho rằng, không có căn cứ chứng minh 4.500 tỷ đồng là của cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB. Ông Danh dùng tên một số cá nhân chuyển tiền về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng nguồn gốc số tiền là bất hợp pháp, không phải của ông Danh.
Theo VKS, 4.500 tỷ đồng đã được ông Danh sử dụng hết, tòa buộc CB phải trả lại là không phù hợp. Bởi sau khi NHNN không chấp nhận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ, ông Danh không chỉ đạo trả lại 4.500 tỷ cho các cổ đông mà giữ lại sử dụng hết.
"Khi Nhà nước tiếp quản VNCB, ngân hàng này đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu, tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản, Nhà nước phải bù lỗ để giải quyết các hậu quả thiệt hại", kháng nghị nêu.
Tòa bị cho là tuyên án treo 4 người trái pháp luật
Quyết định kháng nghị cũng cho rằng, tòa sơ thẩm áp dụng hình phạt tù treo với bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh là trái pháp luật, vì họ đang chấp hành bản án treo khác.
Nhận định này của VKS căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về những trường hợp không cho hưởng án treo: "Người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo".
Theo bản án sơ thẩm, quá trình điều hành VNCB (2013-2014), ông Danh cần tiền trả nợ trước đó, chi phí duy trì hoạt động và đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng, tăng vốn điều lệ... nhưng không thể trực tiếp vay của ngân hàng do mình làm chủ. Ông này chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) và các bị cáo dưới quyền dùng tiền của VNCB đảm bảo cho 29 lượt công ty (do Danh thành lập, hoặc đi mượn) vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank.
Do các công ty của ông Danh không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB nên không thiệt hại. Nhưng việc này đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Về hành vi này, TAND TP HCM tuyên phạt ông Danh 20 năm tù, tổng hợp với hình phạt cũ là 30 năm; ông Trầm Bê nhận 4 năm tù; 44 đồng phạm còn lại lĩnh 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 10 năm tù cùng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trầm Bê cùng nhiều đồng phạm chấp nhận bản án. Ông Danh và nguyên Tổng giám đốc VNCB kháng cáo đề nghị thu hồi một số khoản tiền mà cấp sơ thẩm chưa xem xét.
Tương tự, CB cũng kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét việc thu hồi 4.500 tỷ đồng; còn BIDV không đồng ý trả hơn 1.600 tỷ đồng mà ông Danh đã sử dụng sau khi vay tại Sacombank.
Về phần mình, ông Trần Quí Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát) cũng có đơn kháng cáo, không đồng ý trả lại hơn 194 tỷ đồng (được cho là có nguồn gốc từ tang vật của vụ án) mà trước đó được ông Danh chuyển cho.
Liên quan vụ án, tòa cũng thu hồi 2 sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ đồng của bị cáo Phạm Hoài Thanh tại TPBank. Buộc bà Hứa Thị Phấn trả lại VNCB 600 tỷ đồng.
Trước đó, tại giai đoạn một của vụ án, ông Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc bồi thường 9.000 tỷ đồng thiệt hại.
Kỳ Hoa