Bamboo Airways vừa nộp hồ sơ cho Bộ Giao thông Vận tải Mỹ để báo cáo kế hoạch mở đường bay thẳng đến thị trường này, cũng như tình hình tài chính, cơ cấu cổ đông của hãng.
Theo đó, Bamboo Airways đề nghị được khai thác đường bay thẳng thường lệ vận chuyển hành khách, hàng hoá, bưu phẩm từ Hà Nội, TP HCM đến Los Angeles, San Francisco. Bamboo Airways dự kiến mở các đường bay này từ quý III với tần suất 4-7 chuyến mỗi tuần, bằng tàu Boeing 787-9 Dreamliner.
Hồi đầu tháng 5, hãng đã được cấp slot (lượt cất, hạ cánh) bay thẳng thường lệ từ TP HCM đến San Francisco và Los Angeles từ ngày 1/9.
Bên cạnh đường bay thẳng, Bamboo Airways cũng trình kế hoạch bay qua một điểm dừng ở Đài Bắc hoặc Osaka, Nagoya (Nhật Bản). Tại điểm dừng này, hãng chỉ tiếp nhiên liệu, hành khách không phải xuống máy bay.
Bamboo Airways cho biết, theo Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Mỹ, đối với một đường bay thẳng từ điểm A đến điểm B, sẽ tồn tại các điểm C là intermediate points (các điểm ở giữa) và các điểm D là điểm beyond points (vượt quá điểm đến B). Khi nộp hồ sơ làm thủ tục chuẩn bị cho đường bay thẳng, các hãng bay thường liệt kê đầy đủ các điểm bay – điểm dừng tương ứng với toàn bộ các phương diện mà hiệp định đề cập, để chuẩn bị cho mọi khả năng.
Trên thực tế, các điểm C và D là điểm dừng/đến hoàn toàn tuỳ chọn. Các hãng có thể sử dụng hoặc không sử dụng tùy theo tình hình thực tế. "Hiện tại, Bamboo Airways chỉ chuẩn bị duy nhất cho kế hoạch bay thẳng Việt - Mỹ không có điểm dừng", đại diện FLC khẳng định.
Bamboo Airways đang gấp rút hoàn tất các bước cuối cùng trong quá trình xây dựng bộ máy nhân sự, gồm huấn luyện phi công, đội bay, đào tạo kỹ càng, toàn diện các yêu cầu, quy định liên quan đến an toàn, an ninh,... sẵn sàng mọi điều kiện khai thác đường bay đến Mỹ.
Cùng với mục tiêu mở đường bay đến Mỹ, Bamboo Airways cũng muốn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Theo Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, hãng muốn IPO ở Mỹ trong quý III, với mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần.
Hiện nay, ông Quyết sở hữu 56,5% cổ phần tại Bamboo Airways. Tập đoàn FLC nắm 28,85%, công ty quản lý vốn và tài sản FLC nắm 6,27%, FLC Faros nắm 5,63%, 5,75% còn lại của cá nhân và doanh nghiệp khác.
Theo báo cáo tài chính năm 2019 và 2020, Bamboo Airways lãi trước thuế lần lượt khoảng 13 triệu (khoảng 300 tỷ đồng) và 17,2 triệu USD (hơn 390 tỷ đồng). Tính đến hết năm ngoái, tổng tài sản của hãng bay này đạt gần 583 triệu USD (13.409 tỷ đồng).
Tại Việt Nam, Bamboo Airways đang khai thác trên 60 đường bay nội địa. Năm ngoái, hãng đã vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách, đạt 20% thị phần và đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần đến hết năm 2021.
Bamboo Airways đang tiến hành nâng quy mô đội máy bay từ 30 lên 40 chiếc vào cuối năm nay. Bên cạnh đường bay Mỹ, hãng cũng đặt mục tiêu khai thác các hành trình khác như Australia, Đức, Nhật Bản, Anh... trong năm nay, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Anh Tú