Thứ tư, 22/1/2025
Thứ sáu, 2/4/2021, 00:00 (GMT+7)

Bãi vàng trái phép giữa núi rừng

Quảng Nam"Vàng tặc" dựng lán trại, sử dụng máy móc đào bới đất đá ở mỏ vàng Bồng Miêu rồi thải hóa chất, bùn đất ra môi trường.

Những ngày này tiếng máy nổ ồn ào suốt ngày đêm ở mỏ vàng Bồng Miêu. Khu vực này nằm giữa núi rừng, cách trung tâm xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh về phía nam hơn một km.

Mỏ vàng Bồng Miêu khai thác từ thời Pháp thuộc, được đánh giá là một trong những mỏ vàng trữ lượng lớn nhất nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng này và giấy phép hết hạn vào năm 2016. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường đóng cửa mỏ vàng, nhưng đến nay chưa thực hiện. Những năm qua, mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về đây tìm kiếm vận may.

Các lán trại khai thác vàng được dựng tạm bợ, nằm rải rác giữa rừng cây gỗ keo, với những vật dụng sinh hoạt, nấu nướng và giặt giũ của "vàng tặc".

Xăng dầu, thức ăn, bếp gas được đưa vào tận cửa hầm để phục vụ khai thác vàng trái phép. "Mỗi ngày, chúng tôi đi sâu vào trong hầm hàng trăm mét đào quặng, đến trưa ra ăn cơm", một người dân cho hay.

Phương thức khai thác vàng thủ công với hầm lò cũ kỹ, tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.

Căn hầm được người dân chống đỡ bằng cây tạm bợ để vào phía trong đào vàng. Khu vực này có hàng trăm đường hầm thông nhau trong núi, kéo dài hàng chục km.

Máy phát điện được bố trí gần các lán trại để thắp sáng trong hầm.

Hàng chục bao tải đựng quặng vàng được tập kết bên vách núi, chờ chở đi bằng xe máy đến những bể chứa hóa chất để ngâm ủ lọc vàng.

Bể ngâm ủ quặng có pha chất xyanua để lọc lấy vàng, Mỗi bể dung tích khoảng 5 m3. Quá trình ngâm ủ từ 2 đến 7 ngày và thải trực tiếp ra môi trường.

Quặng đất đá đào trong hầm, được chuyển ra cho vào máy xay nhỏ và chảy qua máng lọc để vàng nằm lại, bùn đất trôi đi. Những người thợ đào mương để kéo nước lọc vàng từ trên đỉnh núi xuống.

Một thợ đào vàng cho hay "làm việc từ sáng đến chiều, được chủ bãi trả 200.000 đồng tiền công; mỗi khi công an đến truy quét thì chúng tôi bỏ chạy".

Các bãi quặng thải thường có màu xanh do phản ứng hóa học, bốc mùi hôi thối. Cây cối xung quanh chết khô.

Mỗi ngày một lán trại khai thác vàng trái phép thải ra môi trường hàng chục mét khối nước và bùn đất ra môi trường. Nước thải từ các con suối đổ ra sông Bồng Miêu, sau đó chảy về hạ du.

Ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch huyện Phú Ninh, cho biết lực lượng chức năng thường xuyên truy quét xử lý vàng tặc, nhưng sau đó tình trạng khai thác trái phép lại tái diễn.

Hiện trạng bãi khai thác vàng trái phép.

Theo Công an xã Tam Lãnh, từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 3/2021, đơn vị đã tổ chức bảy đợt truy quét và tiêu hủy 10 máy nổ, một cối xay đá, 27 lán trại, 61 hồ hóa chất, 8.000 m bạt, 5.000 m dây nước... "Do lực lượng công an xã ít, trong khi đó bãi vàng Bồng Miêu rộng, đồi núi hiểm trở, tiếp giáp với các huyện miền núi nên mỗi lần chúng tôi tổ chức truy quét thì người dân bỏ lại trốn vào rừng, chờ yên tĩnh ra khai thác trở lại", đại diện công an xã Tam Lãnh nói.

Hàng trăm người đào bới ở mỏ vàng lớn nhất nước
 
 

Đắc Thành