Truyện kể về một họa sĩ có con gái tham gia cuộc thi viết văn ở trường. Nhờ đó, anh được biết bài văn của cậu bạn cùng lớp con gái, nhắc đến người mẹ làm nghề bán trứng vịt lộn. Câu chuyện của cậu bé gợi lại ký ức của họa sĩ với người cha quá cố. Qua dòng hồi tưởng, anh kể lại những tổn thương, tiếc nuối và loạt suy tư, chiêm nghiệm về mối quan hệ của hai cha con.
Họa sĩ Tạ Huy Long - thành viên ban giám khảo - nhận định: ''Sáng tác của Trần Khắc Khoan khiến người đọc thấy được tâm tư, suy nghĩ của giới trẻ hiện nay. Ngoài ra, những độc giả trưởng thành cũng nhìn thấy bản thân trong đó''.
Tác giả Trần Khắc Khoan 34 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng. Với giải nhất, anh được đài thọ tham dự Liên hoan Truyện tranh Angoulême tại Pháp vào đầu năm 2025.
Giải nhì trị giá 15 triệu đồng được trao cho Cao Hoàng Anh Thư, 25 tuổi, TP HCM, cùng tác phẩm Bút chì đỏ. Hạng ba có mức thưởng 10 triệu đồng, thuộc về Trần Thảo Nguyên, 28 tuổi, TP HCM, với sáng tác Lockdown xứ người.
Hai giải khuyến khích, mỗi giải năm triệu đồng dành cho Tiệm thuê truyện (Ngô Thị Ngọc Anh, Vương Nhiên Khang) và Bọ/ Finding Evergreen (Nguyễn Hải Nam, Đỗ Đình Cương). Ngoài tiền mặt, những cá nhân đoạt hạng nhì, ba, khuyến khích có thêm giấy chứng nhận của ban tổ chức.
Cuộc thi lần đầu do Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, diễn ra hơn 5 tháng, thu hút hơn 100 tác phẩm trên cả nước. Họa sĩ Tạ Huy Long nhận xét những bài dự thi có nhiều phong cách, thể hiện sự quan tâm của người trẻ với các vấn đề xã hội.
Giám khảo, họa sĩ Clément Baloup đánh giá các ứng viên đều thành thạo kỹ thuật vẽ và năng lực kể chuyện. ''Điểm nổi bật ở những tác phẩm đoạt giải là thông điệp sâu sắc cùng cách tiếp cận sáng tạo. Các họa sĩ Việt có sự nhạy cảm nghệ thuật đặc biệt, chỉ cần tạo điều kiện để họ được bộc lộ tự do hơn'', ông Clément Baloup nói.
Ngoài ra, họa sĩ cho rằng cần mở rộng đối tượng độc giả đến người trưởng thành, giúp truyện tranh được công nhận như một loại hình nghệ thuật độc lập.
Phương Linh