Người gửi: Hồng Lịch
Đây là bài làm văn duy nhất trong kì thi này tôi được đọc và quyết định đọc. Vì vậy, tôi không được rõ mặt bằng chung lực học cũng như cảm thụ văn chương hiện nay của các em ra sao. Tuy nhiên, tôi khá ngạc nhiên trước kết quả (về điểm) bài làm văn này.
Nó xứng đáng nhận điểm 10 không? Tôi nghĩ nó xứng đáng. Xứng đáng mà chưa xứng đáng. Tại sao lại như vậy? Cô thí sinh này gần như không "bỏ sót" một ý nào trong các câu hỏi. Diễn đạt tương đối chắc chắn (tôi không dùng từ trau chuốt, mượt mà), không có lỗi chính tả hay lỗi về nhận thức, chừng này đã đủ để em giành điểm 10? Em giành điểm 10 là xứng đáng dù ý tứ của em đôi chỗ còn lộn xộn.
Tuy nhiên, nếu để ý, hầu hết các ý em trình bày đều đã được in mòn trong sách và được quá nhiều thí sinh, từ các kỳ thi đại học, cao đẳng đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trình bày rồi. Điểm yếu của không chỉ riêng em mà của gần như toàn bộ các bài viết văn hiện nay, từ xưa đến nay, là thiếu đi nét riêng, sự mới mẻ trong cảm thụ tác phẩm và cả trong cảm xúc của các em. Các em đã trình bày "một cách chắc chắn, đầy đủ" dàn ý từ lúc ôn luyện. Nói không xứng đáng là như thế.
Tôi tin là không thí sinh học văn nào lại không có tư duy riêng, cảm xúc riêng, khả năng cảm thụ riêng. Bản thân tôi là học sinh chuyên văn (giải nhì quốc gia), mỗi tác giả, tác phẩm mở ra trước mắt người đọc một lối cảm nhận. Với những cảm xúc không bao giờ hoàn toàn trùng lặp.
Chính sách giáo khoa khô cứng, cách giảng dạy không phải mang tính gợi mở, đặc biệt là tính giáo điều trong các kỳ thi đã khiến các em không dám chấp nhận rủi ro với sáng tạo và cảm xúc của riêng mình. Vả lại, với một ngân hàng đề thi sử dụng từ năm này qua năm khác, nó cũng không có nhiều đất dành cho sự sáng tạo.
Tất nhiên, trong văn chương, mỗi người cảm thụ một kiểu. Song như trên đã nói, có thí sinh nào dám cảm thụ khác với dàn ý, khác với đáp án ngân hàng? Vấn đề của câu chuyện này bây giờ là tại sao với các đề thi văn, lại không cho phép là một đề thi mở, với các đáp án mở? Chỉ có như vậy, ta mới có được những bài văn điểm 10 thuyết phục, bởi cảm xúc và ý tứ riêng của thí sinh, chứ không phải đủ ý, chắc chắn.