Theo quyết định của UBND Hà Nội, từ 8/1, phí trông giữ xe đạp ban ngày là 1.000 đồng, ban đêm là 2.000 đồng. Xe máy ban ngày 2.000 đồng, ban đêm là 3.000 đồng.
Điểm trông giữ xe giá cao tại chợ Ngã Tư Sở. Ảnh: Xuân Tùng |
"Sinh viên mỗi tháng bỏ thêm vài chục nghìn cũng xót nhưng giá các mặt hàng leo thang nên phải chấp nhận tăng phí. Nhưng nhiều nơi họ tăng quá tới 5.000 đồng một xe", Hùng, sinh viên ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội cho biết.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhiều điểm trông giữ xe máy, xe đạp ở Hà Nội thu phí cao gấp 2-3 lần quy định. Vé gửi xe tại các bãi do người dân lập ra quanh khu vực Trung tâm thương mại Vincom luôn ở mức 5.000 đồng, khu vực Hồ Tây lên tới 10.000 đồng.
Tại điểm trông giữ xe chợ Ngã Tư Sở, khi bị khách cãi giá nhà nước quy định 2.000 đồng, một nhân viên trông giữ xe lớn tiếng: "Ở đây không có quy định, chúng tôi thích thu thế nào thì thu". Kết quả, khách phải trả 4.000 đồng cho một chiếc xe máy.
Lê Minh Thanh, nhân viên công ty nội thất, cho biết, cuối tuần trước đến anh cùng bạn đến đây chơi công viên Thủ Lệ và được người của một điểm trông xe chặn lại, mời gọi: "Giá cả thì như nhau, gửi luôn ở đây cho tiện".
Anh Thanh đồng ý và nghĩ là 5.000 đồng một lượt như mọi lần, đến lúc ra bị quát 10.000 đồng. "Tôi tức quá mà không làm sao được, nhìn bộ mặt bặm trợn của họ cũng ngại.”.
Chủ các điểm trông giữ tư nhân có hàng nghìn lý do để tăng giá trái quy định. Chị Thu, chủ điểm trông xe trước đền Bà Kiệu (hồ Hoàn Kiếm) cho biết, ngoài tiền thuê đất, địa điểm họ còn phải bồi dưỡng "chè nước" cho người này người kia... "Nếu thu đúng giá thì chúng tôi chắc phải bù lỗ".
Vô tư chặt chém khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Xuân Tùng |
Một số chủ trông giữ xe trước cổng Công viên Thống Nhất, cho VnExpress biết, không phải ai muốn cũng có thể mang dây ra căng thành bãi trông xe được. "Những người mang dây ra đây phải có nhà ổn định, có sổ đỏ, có quan hệ... Người nơi khác đến sẽ bị đuổi ngay", một chủ trông xe tiết lộ.
Một nhân viên trông giữ xe Ban quản lý chợ Ngã Tư Sở cho biết, chỉ có khoảng 100 m2 vỉa hè dành mà có tới 3 tổ làm việc, mỗi tổ 10 người. "Mỗi ca có 10 người làm việc, mỗi tháng chỉ được trông 10 ngày cho nên không thể không chặt chém. Nếu thu với mức giá nhà nước quy định chúng tôi không đủ tiền nộp khoán", anh này cho hay.
Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó thanh tra giao thông công chính Hà Nội, cho biết, các điểm trông giữ xe máy, xe đạp thu giá cao tập trung nhiều nhất ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
"Thanh tra giao thông chỉ có chức năng xử phạt những trường hợp trông giữ xe không đúng diện tích, không phép, quá phép còn việc thu giá cao, "chặt chém" phải do thanh tra Sở Tài chính xử lý", ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh để triển khai hiệu quả quyết định mới của UBND thành phố về giá trông giữ xe, Thanh tra giao thông công chính đang xây dựng kế hoạch liên ngành phối hợp cùng công an, thanh tra Sở Tài chính kiểm tra quyết liệt trong dịp Tết.
Xuân Tùng