Tọa đàm "Chuẩn bị gì cho thời đại 5G?" diễn ra tại VnExpress vào ngày 16/3 có sự tham gia của Tiến sĩ Mai Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone, ông Văn Bá Luýt - Giám đốc Sản phẩm Oppo Việt Nam.
Triển khai 5G thời điểm này có phù hợp?
Ông Mai Hồng Anh cho biết, trong ngắn hạn, triển khai 5G nên dựa trên cơ sở hạ tầng và các tính năng mới của công nghệ 4G LTE để đáp ứng nhóm dịch vụ eMBB (di động băng rộng nâng cao) và các khu vực đặc thù. Trong dài hạn, khi công nghệ 5G thực sự "chín muồi", giá thành thiết bị hạ tầng giảm xuống, điện thoại 5G phổ cập hơn thì đẩy mạnh triển khai 5G diện rộng và lan tỏa đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế.
Đại diện nhà mạng MobiFone nhìn nhận, nếu Việt Nam triển khai 5G sớm so với thế giới sẽ tốn kém, nhưng nếu triển khai muộn sẽ hạn chế sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội. Do đó, cần phải chọn thời điểm triển khai phù hợp, thông thường đến khi có khoảng 10% dân số thế giới sử dụng công nghệ này. Trong khi đó, theo Ericsson, hiện thế giới mới có 4% dân số dùng 5G. Việt Nam có thể cần tiếp tục "ném đá dò đường" trước khi quyết định thương mại hóa.
"Nếu triển khai sớm, trong bối cảnh lượng người dùng 5G trên toàn cầu còn quá ít thì giá thành thiết bị như điện thoại thông minh tích hợp 5G, trạm thu và phát sóng vẫn còn đắt", ông Mai Hồng Anh nói.
Bài toán hiệu quả kinh doanh và chi phí đầu tư
Đại diện MobiFone cho biết, hiện tốc độ triển khai 5G đang diễn ra rất nhanh và rộng khắp trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin của Việt Nam càng phải là "đầu tàu" cho sự dịch chuyển và đổi mới công nghệ.
Các giải pháp đầu tư hạ tầng 5G bao gồm lựa chọn công nghệ, kiến trúc mạng, phương án triển khai, băng tần, tính năng mới... để đảm bảo làm sao vừa có hiệu quả, vừa cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hiện nay để tiết kiệm chi phí đầu tư, phần lớn các nhà mạng triển khai 5G trong giai đoạn đầu đều dựa trên kiến trúc 5G Non-Standalone trên cơ sở mạng 4G LTE hiện hữu. Dựa trên những cơ sở hạ tầng kến trúc sẵn có sẽ tận dụng được khoảng 70% cơ sở hạ tầng để triển khai.
Ngoài ra, một số giải pháp trong việc lựa chọn các tính năng mới như DSS (Dynamic Spectrum Sharing) chia sẻ tài nguyên động giữa 4G và 5G cũng là một trong các giải pháp tiết kiệm chi phí đầu tư cho nhà mạng.
Về bài toán hiệu quả kinh doanh, đại diện MobiFone cho rằng trong giai đoạn đầu của triển khai 5G, các nhà mạng nên tập trung vào các tập khách hàng, doanh nghiệp và khu vực thực sự có nhu cầu sử dụng 5G như các thành phố lớn, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Đó là những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua được những thách thức về chi phí.
Đẩy nhanh tiến trình phủ sóng 5G thế nào?
Theo ông Mai Hồng Anh, để đẩy nhanh tiến độ phủ sóng 5G, các nhà mạng cần nhận thức rõ và xác định cần phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho mạng 5G để đáp ứng ba nhóm dịch vụ: băng rộng di động nâng cao (eMBB), truyền thông máy số lượng lớn (mMTC) và truyền thông thời gian trễ thấp - độ tin cậy cao (URLLC). Các nhà mạng vẫn phải nâng cấp mạng 4G để đáp ứng với nhu cầu lưu lượng ngày càng tăng. Theo một số phân tích và dự báo, CapEX liên quan đến mạng lưới tăng 60% trong giai đoạn từ năm 2020-2025.
Về cơ sở hạ tầng, đại diện MobiFone cho rằng các nhà mạng cần xem xét việc chia sẻ hạ tầng mạng lưới và đầu tư trên toàn bộ hệ thống, bao gồm phổ tần số, mạng RAN và mạng truyền dẫn và mạng Core. Còn với chiến lược đầu tư, các nhà mạng có hai lựa chọn.
Thứ nhất là đầu tư tinh gọn ưu tiên 5G trên khía cạnh đẩy nhanh thương mại hóa hoặc nâng cấp mạng hiện tại - đây là lựa chọn truyền thống và an toàn hơn. Ngoài ra, cần xem xét những khía cạnh và yếu tố khác như chia sẻ hạ tầng mạng và các mô hình doanh thu mới.
Với vai trò của một nhà sản xuất thiết bị công nghệ, ông Văn Bá Luýt - Giám đốc Sản phẩm Oppo Việt Nam cho biết hãng đưa những thiết bị của mình đến tay người tiêu dùng, đảm bảo các thiết bị hỗ trợ mạng 5G sẽ tương thích được với các nhà mạng. Đối với các dòng smartphone cao cấp hoặc cận cao cấp, Oppo cố gắng mang những sản phẩm 5G đến cho phân khúc khách hàng tầm trung, thậm chí cận tầm trung với một mức giá phù hợp nhất.
"Trong quý II, Oppo đưa các thiết bị hỗ trợ 5G xuống phân khúc dưới 7 triệu đồng, để giúp cho người dùng dễ dàng tiếp cận mạng 5G", ông Văn Bá Luýt nói.
Oppo đón đầu kỷ nguyên 5G
Ông Văn Bá Luýt cho biết công nghệ 5G là chiến lược trọng điểm của hãng trong năm nay tại Việt Nam. Với 5G, Oppo đã chuẩn bị từ sớm và cũng đã đạt được nhiều thành công trong giai đoạn chuẩn bị.
Điển hình là vào tháng 10/2018, Oppo thực hiện cuộc gọi 3D đầu tiên có kết nối với mạng 5G và đã thành công. Sau đó một tháng, hãng cũng đã thực hiện cuộc gọi video call đầu tiên trên thiết bị có kết nối 5G. Và cũng rất nhanh, vào tháng 4/2019 hãng ra mắt Oppo Reno 5G tại thị trường châu Âu. Riêng tại Việt Nam, vào tháng 5/2019, hãng kết hợp với nhà mạng Viettel và Ericsson để thực hiện cuộc gọi có kết nối 5G đầu tiên và thành công tại thị trường Việt Nam.
Thông qua những thành công đó, Oppo đã mở rộng các danh mục có 5G tại thị trường Việt Nam. Điển hình là tháng 2, hãng đã ra mắt chiếc smartphone Reno5 5G ở phân khúc tầm trung, giúp người dùng tiếp cận nhanh với các thiết bị 5G.
Mạng 5G trên các sản phẩm tầm cao gây khó khăn cho người dùng trong việc tiếp cận vì chi phí giá. Trong khi đó, phân khúc smartphone dưới 10 triệu đồng được lượng lớn đông đảo người dân Việt Nam mua sản phẩm.
Tuy nhiên, để mang công nghệ 5G xuống các sản phẩm tầm trung, dưới 10 triệu hoặc 5 triệu đồng là một bài toán khó với các thương hiệu sản xuất điện thoại di động. Bởi khi đó, theo ông Luýt, các công ty sẽ gắn con chip 5G vào mà vẫn giữ giá bán trung bình, thì phải đánh đổi cắt giảm các tính năng khác như camera, cấu hình... Tuy nhiên, người dùng không được trải nghiệm cân bằng các tính năng smartphone với mạng 5G.
Với bài toán này, Oppo cam kết trang bị 5G trên các phân khúc giá, song vẫn không cắt giảm các tính năng phần cứng. Reno5 5G là lời giải điển hình cho bài toán này của Oppo. Theo ông Luýt, đây là một sản phẩm tầm trung, nhưng hãng đã trang bị chip Snapdragon 765G và công nghệ sạc nhanh SuperVOOC để tối ưu kết nối 5G và tính năng cho người dùng. Trong tương lai gần, Oppo đảm bảo đưa 5G vào phân khúc tầm trung đồng thời vẫn đảm bảo các tính năng trên camera, cấu hình
Hà Thanh