Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có mục tiêu "Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050".
Nhiều báo chí quốc tế nhận định đây là mục tiêu tham vọng và rõ ràng về cắt giảm khí thải của một nước đang phát triển, đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về giảm phát thải, ứng dụng vào vận hành, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện khảo sát. Các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, tổng hợp trong Báo cáo Phản ánh kiến nghị tháng 8/2022 của Ban IV trình Thủ tướng. Doanh nghiệp khảo sát mức độ nhận thức về giảm phát tại tại đây. |
Trong tuyên bố quốc gia, nằm trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 diễn ra đầu tháng 8, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc- UNDP tại Việt Nam, ước tính, Việt Nam sẽ cần 330-370 tỷ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Con số này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư từ trong nước và quốc tế.
Theo thống kê, ngành năng lượng chiếm khoảng ba phần tư lượng phát thải khí nhà kính ngày nay. Do đó, chìa khóa để giải bài toán giảm khí thải carbon. có thể đến từ thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, như gió, mặt trời. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tới năm 2030 sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.
Luật Bảo vệ môi trường đang trình quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nội dung về thị trường carbon, như tạo ra ra tín chỉ carbon, doanh nghiệp có thể tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế, bán tín chỉ cho các bên có nhu cầu...
Đầu năm nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.
Nhiều nước đã bắt đầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải tạo ra khi sản xuất 1 đơn vị sản phẩm. Trong vòng 5 năm tới, đây sẽ là rào cản thương mại mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hiểu biết hạn chế hay thậm chí không biết các cam kết của Chính Phủ về giảm phát thải.
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, net zero, hay phát thải ròng bằng 0, nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần không càng sớm càng tốt. Lượng khí thải còn lại cũng phải được hấp thụ lại vào bầu khí quyển, như bởi đại dương và rừng.
Hướng tới một thế giới không phát thải ròng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, giống như một cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải. Để đạt được điều này, các quốc gia, công ty cần phương pháp thiên nhiên, như rừng, để loại bỏ cùng một lượng carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ carbon tại nguồn phát thải.
Trên thế giới, hơn 70 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất, đại diện cho khoảng 76% lượng khí thải toàn cầu, như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu, đã đặt mục tiêu phát thải bằng không. Hơn 1.200 công ty đã đưa ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học, và hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 tổ chức giáo dục và hơn 400 tổ chức tài chính cũng đã tham gia. Một liên minh ngày càng rộng lớn giữa các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp và các tổ chức đang tập hợp, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không.
Phong Vân