Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang yêu cầu các doanh nghiệp đẩy nhanh thí điểm Mobile Money ngay trong tháng 3 sau khi được Thủ tướng đồng ý thí điểm 2 năm.
Trong ba nhà mạng lớn, đủ điều kiện, Viettel nhiều khả năng đang dẫn đầu cuộc đua khi đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ Mobile Money đến 100% khách hàng sau thời gian cho hơn 40.000 nhân viên thử nghiệm sử dụng với các giao dịch nhỏ từ cuối năm 2020. Chưa kể, Viettel cũng đã triển khai Mobile Money tại 6 thị trường nước ngoài nên cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều đã được tính toán kĩ lưỡng.
VNPT và Mobifone cũng cho biết đã sẵn sàng để cung cấp thí điểm Mobile Money. VNPT đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số khi nền tảng VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán. Mobifone cũng dự kiến nộp hồ sơ cấp phép cho dịch vụ Mobile Money trong vài tuần tới. Đơn vị này cũng vừa có giấy phép trung gian thanh toán - điều kiện tối quan trọng - để làm Mobile Money ngay trước giờ "G" khi cơ chế thí điểm được thông qua.
Với hơn 124 triệu thuê bao di dộng hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn khá nhiều dư địa để phát triển, có thêm nguồn thu chất lượng mới khi doanh thu từ các hoạt động cốt lõi như cước viễn thông, dữ liệu đã đến giai đoạn khó tăng trưởng. Tuy nhiên, việc tham gia sâu vào lĩnh vực công nghệ tài chính không dễ.
Thách thức đầu tiên chính là việc xác thực khách hàng, trong đó sim "rác" là một bài toán nan giải. Với Mobile Money, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản thanh toán theo SIM chính chủ tại một nhà mạng. Hai năm qua, để dọn đường cho việc phát triển Mobile Money, các cơ quan quản lý và nhà mạng đã mạnh tay xử lý nạn SIM rác, cuộc gọi, tin nhắn rác. Dù đã giảm thiểu khá nhiều, tình trạng SIM kích hoạt sẵn được bày bán công khai vẫn tồn tại ở một số khu vực hay SIM chưa đúng thông tin vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Nếu việc định danh khách hàng, quản lý SIM rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, Mobile Money có thể là kênh để rửa giao dịch, ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền", Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV nhận định trong báo cáo về dịch vụ này.
Theo quyết định 316 của Thủ tướng, các doanh nghiệp thí điểm Mobile Money phải chịu trách nhiệm định danh, nhận biết (KYC) khách hàng chính xác. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng lần đầu mở tài khỏa Mobile Money, nhà mạng phải xây dựng, ban hành quy trình đăng ký điện tử phù hợp quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền...
Ngay với cả các ngân hàng, công ty tài chính giàu kinh nghiệm, việc xác thực thông tin khách hàng qua kênh hoặc ứng dụng trực tuyến hiện vẫn còn có những kẽ hở. Gần đây, xuất hiện một số trường hợp không vay tiền những bỗng dưng mắc nợ công ty tài chính vì bị kẻ xấu giả mạo chứng minh thư để qua mặt hệ thống eKYC và chính doanh nghiệp cũng trở thành nạn nhân. Do đó, đây cũng là một thách thức nhà mạng cần giải quyết, để tránh các hệ lụy xấu có thể xảy ra với cả doanh nghiệp và khách hàng.
Tiếp đến là bài toán quản lý các điểm giao dịch. Lãnh đạo một doanh nghiệp ví điện tử có thị phần lớn tại Việt Nam hiện nay cho rằng để hoạt động hiệu quả, các nhà mạng cũng cần giải bài toán làm thế nào để hạ thấp chi phí nộp tiền vào tài khoản Mobile Money qua các điểm giao dịch. Ông thông tin như với hình thức nạp thẻ cào vào tài khoản viễn thông, chi phí phát hành và phân phối mất vài phần trăm giá trị thẻ cào. Trong khi đó, thông lệ thị trường hiện nay, công cụ thanh toán nộp tiền từ tài khoản ngân hàng chỉ mất dưới 1%, kể cả ví điện tử.
"Khi nạp tiền mặt tại điểm giao dịch sẽ phát sinh chi phí quầy, két, bảo vệ, độ trễ của dòng tiền. Làm sao để nạp tiền mặt vào Mobile Money tốn chi phí ít hơn thẻ cào", ông nói.
Nhà mạng luôn coi hàng chục nghìn điểm giao dịch của mình là lợi thế sẵn có. Nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, xây dựng được quy trình đồng bộ, training nhân viên chuẩn chỉ, đây có thể lập tức trở thành điểm yếu, gót chân achilles, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa...
Quan trọng hơn, các nhà mạng được làm Mobile Money khi các hình thức thanh toán trực tuyến, ví điện tử đã nở rộ trên thị trường và cơ chế thí điểm hiện tại có nhiều rào cản.
Ngoài lợi thế không cần tài khoản ngân hàng, Mobile Money thực sự chưa có nhiều ưu điểm hơn ví điện tử. Nhiều khách hàng nhận xét hạn mức 10 triệu đồng một tháng cho một tài khoản Mobile Money trong 2 năm thí điểm là khá nhỏ hay việc không thể chuyển khoản khác nhà mạng cũng là trở ngại với người dùng. Mức "quota" này sẽ khiến các nhà mạng khó làm thoả mãn tệp khách hàng trẻ ở thành thị, có nhu cầu mua sắm thanh toán không tiền mặt nhiều trong một tháng.
Chưa kể, để thu hút được lượng khách ở các đô thị lớn có sức chi tiêu trực tuyến mạnh, nhà mạng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các ví điện tử hay với cả những ngân hàng đang đẩy nhanh phát triển ứng dụng ngân hàng số. Thời gian qua, một số ví điện tử có tiềm lực chi đến cả chục USD khuyến mại cho mỗi một người dùng.
Tuy vậy, người dùng Việt thường không trung thành với một ứng dụng, có thể lập tức chuyển sang những cái tên mới ra đời với ưu đãi nhiều hơn. Nếu mạnh tay theo cuộc đua tốn kém này, các nhà mạng vẫn có thể biến Mobile Money thành một nhân tố hấp dẫn, tiếp sức thêm cho thị trường thanh toán điện tử Việt Nam.
Anh Tú