Tràng giang là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của nhà thơ Huy Cận (1919-2005). Theo tác giả, bài thơ được viết vào mùa thu năm 1939, cảm xúc được khơi gợi từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước. Bài thơ với lời đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài", toàn văn như sau:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Trong Tác phẩm văn học 1930-1975 (tập III), nhà thơ Huy Cận viết: "Tràng giang là bài thơ được sông Hồng gợi tứ. Trước cách mạng, tôi thường có thú vui vào chiều chủ nhật hàng tuần đi lên vùng Chèm. Về để ngoạn cảnh Hồ Tây và sông Hồng.
Tràng giang là bài thơ tình và tình gặp cảnh, một bài thơ về tâm hồn. Nhìn dòng sông lớn gợi ra những lớp sóng, tôi cảm thấy nỗi buồn của mình cũng đang trải ra như những lớp sóng.
Thuyền và nước vốn là hai khái niệm gần gũi nhưng rồi không phải bao giờ cũng gắn bó. Thuyền gợi lên một cái gì nổi nênh như kiếp người trong cuộc đời cũ. Nhất là con thuyền đang lênh đênh thả mái xuôi dòng và như có một nỗi buồn chia ly, xa cách đang đón đợi.
Tôi chọn lọc nhiều khả năng biểu hiện hình ảnh. Củi một cành khô lạc mấy dòng không phải là một thân gỗ xuôi dòng, một đám bèo xanh trôi nổi mà là một cành củi khô bập bềnh trôi dạt trên sóng".
Tràng giang được viết khi tác giả tròn 20 tuổi, được chọn đăng trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam (1932-1941). Bài thơ này được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học lớp 11 gần 30 năm nay.
Câu 2: Bài thơ "Tràng giang" nằm trong tập thơ nào của Huy Cận?