Theo sách Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2009), nhà thơ Huy Cận sinh năm 1919, tên thật Cù Huy Cận. Ông quê ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, sống và làm việc ở Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông học tú tài, sau đó thi vào trường Cao đẳng Canh nông, bắt đầu hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cuối tháng 7/1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc.
Những năm sau đó, ông liên tục giữ nhiều trọng trách quan trọng: Thứ trưởng các bộ Canh nông, Kinh tế; Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ; Thứ trưởng Văn hóa; Bộ trưởng đặc trách công tác văn hóa, nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tác phẩm chính của Huy Cận: Lửa thiêng (thơ, 1939); Vũ trụ ca (thơ, 1942); Tính chất dân tộc trong văn nghệ (nghiên cứu, 1958); Trời mỗi ngày lại sáng (thơ, 1958); Đất nở hoa (thơ, 1960); Hai bàn tay em (thơ, 1967); Phù Đổng Thiên Vương (thơ, 1968); Những năm sáu mươi (thơ, 1968); Cô gái Mèo (thơ, 1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (thơ, 1973); Chiến trường gần đến chiến trường xa (thơ, 1973); Những người mẹ, những người vợ (thơ, 1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (thơ, 1975); Sơn Tinh - Thủy Tinh (thơ, 1976); Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978); Hạt lại gieo (thơ, 1984); Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ (thơ, 1997); Ta về với biển (tập thơ, 1997)...
Nhà thơ Huy Cận được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Ông mất năm 2005 tại Hà Nội.