Hà Nội có động Tiên Sa (1)
Bảy giờ máy hết đèn xa đèn gần (2)
Vui nhất thì chợ Đồng Xuân
Đồ nào thứ ấy xa gần bán mua
Chợ họp một chốc buổi trưa
Hàng cam, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng
Ai ơi nghoảnh lại mà trông
Hàng vóc, hàng nhiễu thung dung ruộm già (3)
Cổng chợ có chị bán hoa
Có chú đổi bạc đi ra đi vào
Có hàng lục phở bán rao
Kẹo cao, kẹo đoạn, miến sào, bún bung
Lại thêm bánh rán, kẹo vừng
Trước mặt hàng trả, sau lưng hàng giò
Ăn rồi chuyện nhỏ chuyện to
Lại thêm chú khách thịt bò bán rao (4)
Săm săm thì bước chân vào
Hàng tôm, hàng trứng xao xao một bề
Thơm nhất thì chị hàng lê
Cấm quác hàng vịt, say mê hàng gà
Nất nở thì chị bán na
Bán rổ, bán rá, bán sàng, bán nia
Thõng thẹo thì chị bán thìa
Hàng bát xô xát, hàng thìa thong dong
Đẹp nhất thì chị hàng hồng
Hàng chuối chẽ nải, bưởi bòng kể chi
Trống quân hát có ra gì
Mỗi người mỗi vẻ ai thì kém ai
Lại thêm cạo mặt ngoáy tai
Có ông xem số, có bà họa tranh
Có cả bí đá, bí xanh
Bùi tui, húng nghệ, mướp đắng, rau mùi chất ở nhà ga
Mướp đắng thật là có xương
Có cả hàng lược, hàng gương
Có cả cô bán phố trương sánh bầy (5)
Có cả hàng dép hàng giầy
Có cả cô bán sánh bầy trầu không.
Chú thích: (1) Tiên sa: có lẽ là nhà máy điện.
(2) bảy giờ tất cả đèn điện thành phố tắt
(3) ruộm già : chưa rõ nghĩa
(4) chú khách: người tàu bán hàng
(5) phố trương sánh bày: bày hàng ra sánh bên nhau trên hè phố
Bài thơ này do mẹ tôi đột nhiên nhớ lại, năm nay bà đã 90 tuổi. Hồi con gái bà thường đi chợ Đồng Xuân buôn cau về bán ở chợ Núi, chợ Chờ, chợ Me (thuộc Yên Phong, Bắc Ninh). Các cô gái đi chợ thường truyền khẩu nhau bài thơ này cho vui vẻ khi đi đường.
Mẹ tôi bảo đây là bài thơ do các cụ đồ làng Mịn (xã Văn môn, Yên phong, Bắc Ninh) sáng tác cho các cô đi chợ.
Theo tôi đây là bài thơ rất hay về Hà Nội, nó mô tả sinh động cảnh phiên chợ ngày xưa, những gì được bán ở chợ Hà Nội vào đầu thế kỷ thứ 20. Ngôn từ trong bài có nhiều từ cổ mà ngày nay không còn dùng nữa.
Bài thơ này có lẽ không phải do một nhà thơ chuyên nghiệp làm. Bạn đọc xa gần có biết nguồn gốc bài thơ này do ai sáng tác thì xin thông báo.