Bà Đoàn Nguyễn Vân Khanh, Giám đốc điều hành IIG Việt Nam - đơn vị tổ chức bài thi này ở Việt Nam, cuối tháng 10 cho biết thông tin trên. Bài thi do Viện khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) thiết kế, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh ở 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết.
Sau khi rút ngắn, cấu trúc bài gồm phần Đọc với 20 câu hỏi (35 phút); phần Nghe có 28 câu (36 phút), phần Nói 4 câu hỏi (16 phút) và Viết gồm hai câu (29 phút). Thời gian cho cả 4 phần thi là một tiếng 56 phút. Điểm tối đa mỗi phần là 30, tổng 120.
Theo đơn vị tổ chức, TOEFL iBT sẽ loại bỏ các câu hỏi không chấm điểm; giảm một đoạn văn và các câu hỏi đi kèm trong phần Đọc; thay thế câu hỏi "Independent Writing" (viết độc lập) bằng câu "Writing for an Academic Discussion" (viết cho một cuộc thảo luận học tập).
Bà Khanh cho hay phần thi viết sẽ yêu cầu thí sinh phản hồi hoặc phát triển các ý tưởng đã nêu trong cuộc thảo luận, trình bày rõ ràng hoặc mở rộng quan điểm và sử dụng linh hoạt cấu trúc ngữ pháp, từ vựng trong bối cảnh học thuật.
Ngoài ra, công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng để chấm điểm đồng thời với giám khảo ở phần thi Viết và Nói. Thí sinh có thể nhận điểm Đọc, Nghe ngay sau khi làm xong, nhận điểm tổng trong vòng 4 ngày. Thí sinh cũng có thể thi lại sau ba ngày.
Theo ETS, mỗi năm có khoảng hơn hai triệu người thi TOEFL trên toàn thế giới. Điểm thi này được hơn 12.000 cơ sở giáo dục, tổ chức ở khoảng 160 quốc gia chấp nhận. Tại Việt Nam, gần 100 trường đại học dùng điểm TOEFL iBT trong xét tuyển đầu vào.
Năm 2022, điểm trung bình của thí sinh Việt Nam là 75/120, thấp nhất ở kỹ năng Nói (13/30 điểm).
Bình Minh