Chiều 24/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp Quốc hội giữa năm. Nhiều vấn đề được cử tri nêu ra, như đảm bảo vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân xung quanh khu xử lý rác thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn), tiến độ điều chỉnh quy hoạch rừng Sóc Sơn.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết luật về môi trường chưa quy định cụ thể việc hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng của bãi rác. Tuy nhiên những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để nâng cao đời sống người dân khu vực xung quanh bãi rác Nam Sơn.
Theo ông, khi các nhà máy hoàn thành, toàn bộ rác hàng ngày về bãi sẽ được xử lý triệt để. Thành phố cũng sẽ khai quật toàn bộ rác đã chôn lấp trước đây lên để xử lý. "Khi những phần việc trên được triển khai, môi trường bãi rác gần như công viên, trở thành điểm check-in, nơi quảng bá công nghệ xử lý môi trường của thành phố", ông Nam nói.
Ông Nam cho biết việc trồng cây xanh ở khu vực bán kính 500 m ngoài hàng rào bãi rác Nam Sơn hiện gặp vướng do có diện tích đất lúa. Khi Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho thành phố, vấn đề này sẽ được tháo gỡ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho hay thành phố đang xây dựng thêm một nhà máy xử lý rác ở bãi Nam Sơn ngoài nhà máy Thiên Ý. Để "biến bãi rác thành công viên", ông yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường sớm lên phương án khai quật rác và tổ chức đấu thầu để tìm ra đơn vị tiếp nhận xử lý số rác này. "5 đến 7 năm nữa toàn bộ số rác đã chôn lấp phải được xử lý hết", ông nói.
Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 6.500 - 7.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó 5.000 tấn được xử lý tại bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn và 1.500 tấn tại bãi Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ những năm 1996, sau nhiều lần mở rộng, đến nay có diện tích khoảng 120 ha. Hoạt động chôn lấp rác tại bãi Nam Sơn dừng vào năm 2022 khi nhà máy điện rác Thiên Ý đi vào hoạt động. Tại đây, nhà máy điện rác Seraphin đang được hoàn thiện, dự kiến vận hành thử trong tháng 5 và đưa vào hoạt động dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10.
Về kiến nghị đẩy nhanh quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho rằng đây và vấn đề nan giải bởi "điều chỉnh 1 m2 rừng cũng phải thông qua Quốc hội, trong khi thực tế vẫn còn diện tích chồng lấn". Sở Tài Nguyên Môi trường và huyện Sóc Sơn sẽ phối hợp đẩy nhanh tiến độ quy hoạch này.
Báo cáo cử tri một số nội dung kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định đây là kỳ họp rất đặc biệt với Thủ đô khi Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điều khoản sửa đổi, tạo nguồn lực, thẩm quyền để thành phố phát triển.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét hai quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. "Đây là những quy hoạch xương sống, tạo không gian phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới", Chủ tịch Hà Nội nói.
Võ Hải