Anh Võ Tiến tại nhà riêng. Ảnh: SGGP. |
Ngày nào cũng vậy, cứ 5h chiều, anh Võ Tiến, 38 tuổi (ở làng Ghềnh Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại lết lên xe lăn cho vợ đẩy ra bến để đi biển. Lặn bắt hải sản vốn là nghề của anh gần 20 năm nay. Mọi người khâm phục Tiến vì anh đã xây được nhà khang trang, lấy được vợ và nuôi 3 con ăn học đàng hoàng.
Thấy khách đến, Tiến chẳng có chút biểu hiện tự ti nào của một cơ thể không lành lặn, mặt tươi rói mời khách uống nước. Căn nhà của vợ chồng anh rất khang trang với đầy đủ tiện nghi (tivi màn hình phẳng 21 inch, tủ lạnh hiệu LG 160 lít, bàn ghế gỗ dổi, bếp ga Nhật, nền lát gạch bông sáng bóng...).
Nhà Tiến có 9 anh chị em, chạy ăn không đủ nên chuyện học hành với Tiến chỉ là mơ ước. Tiến là con thứ bảy, bị bại liệt bẩm sinh, 15 tuổi bắt đầu theo cha và các anh đi biển. Ban đầu yếu nên anh chỉ được làm việc vặt trên tàu và... tập bơi, lặn. Qua 5 năm thực tập, Tiến được cha mua cho bộ đồ lặn và bắt đầu làm việc thực thụ. Ngay lần lặn đầu tiên, Tiến đã bắt được vô số tôm nhí giống và hàng rổ mực, kiếm cả triệu bạc. Từ đó, anh trở thành thợ lặn chuyên nghiệp.
Khi chưa có vợ, những hôm trời mưa, nước ngập đường, nhưng anh vẫn phải tự lết qua nước bùn, xuống bãi để đi lặn. Đôi tay anh rớm máu và chai sạn dần. Hôm nào đi lặn xa, cách nhà 5-7 km thì mới nhờ anh em chở đến bãi rồi tự lết xuống nhờ bạn cõng lên ghe. Ngày lặn “trúng”, có thể kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Cơ thể khiếm khuyết nên khi lặn Tiến gặp muôn vàn khó khăn. Ngay chuyện ngồi trên thúng câu mực, tay cầm chèo, tay kia cầm câu, mưa to gió lớn tạt rát da cũng mặc, không thể che chắn. Cách đây 4 năm, trong một lần lặn, Tiến bị chuột rút suýt chết. May nhờ bạn phát hiện, kéo lên. Sau lần đó, anh phải nằm nhà dưỡng thương một năm.
Năm 21 tuổi Tiến cưới vợ. “Dân làng Ghềnh Cả vui như hội, ai dè người bại liệt như tui mà lấy được vợ”, Tiến kể. Anh lấy vợ là nhờ bà hàng xóm mai mối. "Sau mai mối, lần đầu anh tới nhà, nhìn anh mà tôi thấy sợ. Lần thứ hai, thứ ba... cứ đều đặn anh nhờ người chở tới. Chuyện trò qua lại, có lẽ từ ý chí và nghị lực vượt khó của anh nên tôi dần dà hết sợ và thấy mến phục”, chị Thuận kể về chồng. Đến nay, họ đã cưới nhau gần 20 năm và có 3 mặt con.
Vợ chồng Tiến được cha mẹ, anh em trong nhà hùn vốn xây cho căn nhà tạm bợ sau khi cưới. Gọi là nhà, nhưng mùa mưa thì... không biết trốn đâu vì chỗ nào cũng dột. “Thuận vợ thuận chồng”, qua bao năm tích góp, anh chị đã dựng được căn nhà rộng rãi, khang trang, 3 đứa con được học hành tử tế.
Ai khen, Tiến cũng có một câu “Tôi có làm được gì đâu, chỉ nghĩ phải sống cho ra sống thôi”.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)