Võng xếp Duy Lợi đã thắng kiện tại Mỹ. |
Võng xếp Duy Lợi đã từng xuất một container hàng sang Mỹ vào tháng 9/2001, sau đó không thấy đơn hàng nào từ Mỹ nữa. Nhờ luật sư tra cứu trên mạng, ông Lợi phát hiện doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) đã đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ cho chiếc võng xếp có kiểu dáng y hệt võng xếp của Duy Lợi. Chính bằng sáng chế này đã khóa kín cánh cửa thị trường Mỹ với Duy Lợi và nhiều doanh nghiệp khác.
Đã từng thắng kiện trong vụ xâm phạm bằng sáng chế võng xếp tại Nhật vào tháng 4/2003 để từ đó Duy Lợi khai thông được thị trường Nhật, ông Lợi ủy quyền cho Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh khởi kiện ra Cơ quan Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).
Kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của ông Lâm Tấn Lợi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày 23/3/2000, trong khi ông Chung Sen Wu lại nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ vào ngày 15/8/2001. Từ tháng 5/2004, Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh đã tiến hành các bước yêu cầu USPTO hủy hiệu lực bằng sáng chế Mỹ đã cấp cho Chung Sen Wu.
Luật sư Dương Tử Giang, người theo dõi vụ kiện thuộc Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh, cho biết: “Chúng tôi đã phải tra cứu trong các cơ sở dữ liệu trên mạng Internet, nghiên cứu hàng nghìn kiểu khung võng khác nhau trên thế giới để tìm bằng chứng nhằm chứng minh kiểu khung võng do ông Chung Sen Wu đăng ký thực chất là sao chép lại khung võng Duy Lợi”.
Sau một đoạn đường gian nan chứng minh kiểu dáng võng xếp Duy Lợi bị đánh cắp, ngày 19/9, USPTO đã ra thông báo hủy bỏ văn bằng bảo hộ sáng chế của ông Chung Sen Wu.
Ông Lợi cho rằng, bài học lớn rút ra từ vụ kiện này không chỉ cho riêng Duy Lợi, phải đăng ký bảo hộ ngay cho sản phẩm mới của mình. Một khi nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa xem sở hữu trí tuệ là tài sản lớn, những vụ kiện liên quan đến bảo hộ sáng chế có nhiều khả năng xảy ra.
“Điều cần làm là phải tìm hiểu về pháp luật liên quan đến sáng chế, nếu không am hiểu luật nên nhờ các văn phòng luật sư. Khi có kiểu dáng mới cần nhờ luật sư tra cứu xem có tính mới toàn cầu hay không để đăng ký bằng sáng chế ngay”, đó là kinh nghiệm quí giá mà ông Lợi có được sau vụ đòi công bằng cho kiểu dáng võng xếp của mình.
Theo Luật sư Dương Tử Giang, Văn phòng luật sư Phạm & Liên Danh, có sản phẩm mới nên đăng ký bảo hộ. “Để tránh xảy ra kiện tụng, các doanh nghiệp khi có sản phẩm mới nên đăng ký bảo hộ kiểu dáng, hoặc đăng ký sáng chế mới. Trước tiên nên đăng ký ở Việt Nam, sau đó đăng ký ở các thị trường chủ yếu sẽ xuất khẩu sản phẩm. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp không có tính mới về kiểu dáng, công nghệ để có thể đăng ký độc quyền kiểu dáng hoặc sáng chế, trước khi sản xuất hoặc xuất khẩu tốt nhất nên nhờ luật sư tiến hành tra cứu xem đã có ai đăng ký sáng chế liên quan đến cơ cấu, sản phẩm sắp xuất khẩu hay chưa. Dựa trên tra cứu đó, doanh nghiệp tránh được vi phạm quyền của một bên thứ ba ở nước ngoài”. |
(Theo Tuổi Trẻ)