Trong ba ngày qua, số ca nhiễm nCoV ở thủ đô Trung Quốc lên gần 80, chủ yếu do lây nhiễm trong cộng đồng, bắt nguồn từ một chợ thực phẩm tươi sống.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá "sự bùng phát trở lại của Covid-19 ở Bắc Kinh là bài học".
"Trong tình hình này, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch", ông nói.
Dịch bệnh ở Bắc Kinh có đặc điểm gần giống với Việt Nam gần đây. Về thời gian, dịch tái phát ở Bắc Kinh sau 56 ngày. Ở Việt Nam 60 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Nhiều người đã có tâm trạng buông lỏng phòng dịch; các hoạt động kinh doanh, giải trí, dịch vụ, đi lại... đã trở lại bình thường.
Ông Phu nhận định "chính quyền địa phương một số nơi và người dân đã có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh" như không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thường xuyên rửa tay sát khuẩn.
Về tính chất, dịch bệnh ở Bắc Kinh gần giống với Việt Nam trong thời gian qua, không bùng phát mạnh mà xuất hiện các ổ dịch nhỏ và dập được ngay. Tuy nhiên, Việt Nam có biên giới với Trung Quốc nên nguy cơ dịch xâm nhập rất cao.
Mới đây, ngày 13/6, Việt Nam ghi nhận một ca nhiễm nCoV, là người du lịch Trung Quốc từ tháng 1, về Quảng Ninh cuối tháng 5. "Điều này cho thấy Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa với các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào", ông Phu cảnh báo.
Để chống dịch từ bên ngoài, "cần duy trì, làm tốt việc be bờ chặt", tức kiểm soát người nhập cảnh, cách ly tập trung ngay, xét nghiệm sàng lọc kịp thời. Trong nước, phải tiếp tục phát hiện sớm ca nhiễm trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những người có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện ca nhiễm, cần khoanh vùng ngay, dập dịch kịp thời, tránh lây lan. Người dân cũng cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện mới như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế.
Trước các đề xuất tái mở cửa thương mại và du lịch, ông Phu đánh giá "có thể mở lại đường bay quốc tế nhưng quan trọng phải quản lý được con người". Người nhập cảnh cần cách ly đủ 14 ngày. Các chuyên gia đến Việt Nam làm việc cần được tổ chức lưu trú một nơi riêng biệt, đảm bảo giãn cách 2 mét khi hội họp, xét nghiệm hai ngày một lần.
Cách ly tập trung giờ đây cũng khó khăn hơn, theo đánh giá của chuyên gia dịch tễ hàng đầu Việt Nam. Giai đoạn trước, học sinh, sinh viên nghỉ học, có thể tận dụng ký túc xá để làm khu cách ly. Nay học sinh đang học tập, không thể trưng dụng cơ sở vật chất đó được. Việc miễn chi phí ăn ở cho người được cách lý cũng nên tính toán lại
"Cần xem Việt Nam có đủ năng lực đáp ứng phòng dịch không khi mở bay quốc tế trở lại", ông nói.