Người gửi: Bùi Ngọc Sơn
Tự ý thay đổi bản phối của bài Đá trông chồng như là một giọt nước tràn ly dẫn đến kết quả Hà Linh chia tay sân chơi Sao Mai điểm hẹn. Sự cố này của Hà Linh để lại bài học cho không chỉ các ca sĩ trẻ mà ngay cả Ban tổ chức Sao Mai điểm hẹn.
Nhiều người khen Hà Linh là người có tài. Tôi thì cho rằng, nói một cách chính xác thì phải gọi cô ấy có năng lực ca hát. Hà Linh được chú ý với phong cách dân gian đương đại mà cô theo đuổi. Hát các ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại, Hà Linh chứng tỏ mình là người có năng lực ca hát chứ chưa phải là người có tài. Có thể nói rằng dòng nhạc dân gian đương đại hợp với giọng hát của Hà Linh nhưng không hợp với con nguời của Hà Linh. Các ca khúc dân gian đương đại phản ánh chất liệu của âm nhạc dân gian. Mà âm nhạc dân gian không chỉ là âm nhạc dân gian mà còn là hồn dân gian, tâm hồn dân tộc. Những người sáng tác nhạc theo phong các dân gian đương đại thường là những nhạc sĩ chín chắn, am hiểu văn hoá dân gian, họ không chỉ phản ánh giai điệu dân gian mà còn cả tâm thức dân gian trong các ca khúc của mình. Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn là những người như thế. Do đó, hát các ca khúc của họ, người hát không chỉ có năng lực ca hát mà còn phải có cả ý thức về văn hoá dân gian. Không có ý thức văn hoá dân gian, ca sĩ chỉ có thể hát lên bài hát mà không thể phản ánh được ý nghĩa của bài hát. Hà Linh có thể hát lên Hạn hán nhưng chưa nói lên được nỗi đau rất Việt của Hạn hán.
Hà Linh thể hiện là một người biết ca hát nhưng điều Hà Linh có thể thiếu là văn hóa ứng xử của một người ca sĩ: văn hoá ứng xử đối với chính bài hát và văn hoá ứng xử đối với những người xung quanh. Hạn chế trong hiểu biết về văn hoá dân gian, Hà Linh chưa lột tả được tâm hồn dân gian trong các ca khúc mang âm hưởng dân gian. Hạn chế trong văn hóa ứng xử đối với người xung quanh, chiều theo cá tính của mình mà bất chấp các chuẩn mực chung của tập thể, Hà Linh đã phải chia tay với các bạn của kinh khi cuộc chơi gần đến hồi kết.
Đây là một bài học quý giá cho các ca sĩ trẻ. Họ không chỉ biết hát mà còn phải hát có văn hoá và phải có văn hoá hát, văn hoá ca sĩ. Đây cũng là một bài học cho Ban tổ chức Sao Mai điểm hẹn: không chỉ biết dậy các thí sinh về ca hát, về trang phục, biểu diễn, mà còn phải định hướng cho họ về văn hoá của người ca sĩ: văn hoá đối xử đối với bài hát và văn hoá đối xử đối với những người xung quanh.