Y tá Janie Brown, sống tại Vancouver, hỗ trợ bệnh nhân ung thư và người nhà của họ trong suốt 30 năm. Cha bà cũng qua đời 25 năm trước do bệnh ung thư, nhưng phải đến khi đại dịch xảy ra, nữ y tá mới cảm thấy mình may mắn khi được từ biệt cha theo cách bình thường. Trong những ngày cuối đời, ông vẫn được ở bên vợ và các con cháu. Không ai phải đeo khẩu trang, không giãn cách và không sợ hãi. Cha bà đã chấp nhận thực tế và rất dũng cảm.
Trong suốt 13 tuần cuối của người cha, gia đình Brown có một khoảng thời gian quây quần bên nhau, với niềm vui xen giữa nỗi buồn. Những kỷ niệm dù được kể đi kể lại vẫn mang lại sự thích thú. Dù thương nhớ cha rất nhiều, đối với y tá Brown, ký ức về ngày mất của ông không tới mức đau khổ và dày xéo.
Tuy nhiên, từ khi Covid-19 hoành hành, nhiều bệnh nhân ung thư phải từ giã cõi đời trong nỗi đau sâu sắc. Hàng nghìn người đã chết mà không có người thân bên cạnh trong các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện, nhà tế bần do các quy định hạn chế người tới thăm.
Theo Brown, đám tang của cha bà có rất nhiều người đến dự. Họ dành cho nhau những cái ôm, cái bắt tay và lời thì thầm an ủi. Họ hát vang ca khúc mà người cha quá cố yêu thích. Cho đến bây giờ, khi xem lại đoạn băng ghi lại cảnh tang lễ, gia đình bà vẫn cảm nhận được sức mạnh và sự trấn an từ những người đã đến tiễn cha về nơi an nghỉ.
Vậy mà trong một năm qua, hàng nghìn gia đình không thể trực tiếp tổ chức đám tang cho người thân. Họ phải nhờ đến dịch vụ tang lễ và theo dõi qua mạng. Không có ai cất lên tiếng hát, không có những chiếc ôm và cũng chẳng còn những câu chuyện hoài niệm. Họ bị tước đi cơ hội để an ủi, tụ họp, đánh dấu sự ra đi của một người.
Suốt 30 năm sự nghiệp của mình, y tá Brown đã giúp nhiều gia đình đối mặt với nỗi sợ và sự mất mát, biến ngày cuối cùng bên nhau của họ trở nên ý nghĩa và chuẩn bị cho bệnh nhân ra đi thanh thản. "Bước ngoặt trong sự nghiệp xảy ra khi tôi còn là sinh viên điều dưỡng ở Edinburgh. Tôi được chỉ định chăm sóc cho ông Steven, một người đàn ông khoảng 40 tuổi mắc bệnh bạch cầu. Phòng bệnh tối hôm đó rất bận rộn nên vị sơ không thể hướng dẫn cho tôi cách nói chuyện với người đang hấp hối", bà Brown kể lại.
Bà lắng nghe người đàn ông giãi bày những lỗi lầm trong quá khứ, về việc ông bỏ mặc vợ và các con. Ban đầu, Brown cảm thấy bối rối những khoảng cách giữa hai người dần thu hẹp. "Tôi nhận ra bản thân không có trách nhiệm phải xua đi nỗi buồn của người bệnh, mà là chỗ dựa để họ trải lòng. Tôi ít khi cất tiếng mà để ông Steven nói ra hết những tâm sự cho đến khi không còn gì để nói. Lúc này, chúng tôi đều đã hiểu và chấp nhận quy luật của tự nhiên, đón nhận cái chết như một điều không thể tránh khỏi và có niềm tin vào cách chúng ta ra đi như cách ta đến với thế giới này", Brown chia sẻ.
Y tá Brown là tác giả của cuốn sách "Radical Acts of Love", trong đó tổng hợp những cuộc đối thoại của bà với những bệnh nhân ung thư sắp mất. Cuốn sách chia sẻ 6 bài học cuộc sống, rằng:
- Sự lắng nghe của người thân, bạn bè hoặc thậm chí người lạ sẽ giúp ta chữa lành.
- Tâm sự với ai đó, người không cần đưa ra lời khuyên hay bình luận, phán xét, là liều thuốc cần thiết.
- Chuẩn bị cho sự ra đi trước khi cơn khủng hoảng ập đến là món quà quý giá nhất ta có thể cho đi.
- Can đảm nói về cái chết với người thân giúp xóa bỏ những điều luyến tiếc có thể kéo dài cả đời người.
- Xoa dịu những ký ức đau đớn khiến phút tiễn biệt trở nên nhẹ nhàng và thanh thản hơn.
- Học cách quan tâm tới những người thân yêu vào ngày cuối đời là cử chỉ thể hiện tình yêu tuyệt đối.
Cho tới khi mọi thứ trở lại bình thường và mọi người lại có thể quây quần bên nhau, bà Brown hi vọng mỗi người có thể làm cho nhau những điều nhỏ nhặt và dịu dàng bằng cách lắng nghe, để rồi nỗi đau của một năm đầy biến động sẽ phần nào vơi đi.
Mai Dung (Theo Telegraph)