Tôi bôn ba làm việc xa quê, công việc và cuộc sống thường nhật cuốn trôi mọi thời gian, vì thế sau 10 năm, tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây bàng, hàng phượng vỹ, những chiếc ghế đá quen thuộc còn nằm đó... Tiếng thầy cô giảng bài vang vọng các dãy lớp. Những gương mặt thơ ngây của đám học trò khiến tôi hoài niệm bao kỷ niệm thời cắp sách.
Là dân chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, nhất là tìm hiểu kiến thức lịch sử, tuy nhiên lại không thể nhớ các thông tin quá chi tiết. Do đó có một thời gian, tôi ghét nhất môn Sử vì phải học thuộc lòng, nhớ nhiều chi tiết. Nhưng đến năm cấp ba, cô giáo dạy Sử đã xóa tan định kiến ấy, giúp tôi chủ động tìm tòi, đọc sách sử như một thú vui.
Cô luôn nói chúng tôi phải biết tự phấn đấu, vươn lên và bảo: "Lịch sử chứa đựng những bài học quý báu, lưu giữ gốc rễ của một quốc gia. Hiểu biết về sử sách không chỉ giúp mỗi người gìn giữ văn hóa dân tộc mà còn tiếp thu những bài học kinh nghiệm thiết thực, làm giàu vốn sống".
Mùa thi tới, chúng tôi thường mang sách vở đến nhà cô học và ôn bài cho nhau, những điểm nào chưa rõ sẽ hỏi cô thêm. Cô hay mang nước và đồ ăn vặt, khi thì những chiếc bánh bông lan nhỏ tự nướng, lúc thì khoai, bắp luộc... Với cô, đám học trò 17, 18 tuổi vẫn như những đứa trẻ cần được chăm bẵm từng ly nước, miếng ăn.
Trò xưa của cô nay đã lớn, người làm công ty đa quốc gia, người làm công chức hay tự kinh doanh... những vẫn không quên lời dạy và kiến thức cô từng truyền đạt: "Chỉ khi hiểu rõ nguyên nhân và diễn giải được từng sự kiện, các em mới có thể làm tốt một bài lịch sử".
Hồi cấp hai, tôi thường nghe mọi người khen cô có phương pháp dạy hay, nhiều năm là giáo viên giỏi. Sau này khi theo học cô, tôi thực sự bị thuyết phục vì lối giảng lôi cuốn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Ngày ấy, cô thường nhấn mạnh những sự kiện then chốt, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô hay căn dặn: "Muốn học tốt lịch sử, cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề chính rồi triển khai các chi tiêt nhỏ. Các em có thể tìm thêm các tài liệu chọn lọc khác để bổ trợ thông tin đã học ở trường. Kiến thức mênh mông, chỉ có sự tò mò và khao khát học giỏi mới giúp các em tiến xa".
Nhờ lời khuyên của cô, chúng tôi đều nhớ rõ loạt vấn đề cốt lõi của lịch sử. Theo thời gian có thể quên vài chi tiết nhỏ nhưng những điểm chính khó phai mờ. Có nhiều sự kiện vì sự tò mò, thích khám phá, tôi đã tìm xem các bộ phim, tác phẩm văn học liên quan để có thêm góc nhìn đa chiều.
Nhiều năm qua, tôi thầm cảm ơn vì cô đã truyền cho tôi phương pháp học hiệu quả, khuyến khích sự tò mò và đam mê kiến thức để tôi có thể tự học hỏi ở các lĩnh vực mới mẻ. Có lẽ nhờ cô, những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Sau này mỗi khi tiếp cận một sự kiện, tôi không quên tìm kỹ nguyên nhân của nó.
Mỗi dịp về thăm, cô vẫn nhớ mặt, gọi tên từng người và nhắc lại kỷ niệm của đám "nhất quỷ nhì ma" rồi cô trò đều bật cười vui vẻ. Hàng năm đến ngày 20/11, nếu ở xa không thể về thăm cô, chúng tôi thường nhắc nhau gọi điện chúc mừng, hỏi thăm cô. Mỗi cuộc gọi điện thoại đôi khi chỉ 10-20 phút nhưng gợi lại biết bao kỷ niệm, sự yêu thương và biết ơn của đám trò nhỏ năm nào.
Những lần thăm hỏi ấy nhắc nhở chúng tôi rằng: dù bận bịu thế nào cũng đừng để mất kết nối với những thầy cô từng truyền dạy mình các bài học bổ ích. Tôi sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, thời học trò và bài giảng quý báu. Ký ức ấy là món quà quý giá nhất tôi luôn trân trọng trong đời.
Nguyễn Thị Liên (Thanh Xuân, Hà Nội)
Nhà mạng di động Reddi (thuộc công ty Mobicast - thành viên của Tập đoàn Masan) sẽ ra mắt vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhân dịp này, Reddi đầu số 055 tổ chức chương trình "Reddi sóng khỏe - Thầy trò vui vẻ" - đấu giá chọn sim số ý nghĩa, đuôi 2011 - nhằm xóa nhòa khoảng cách, gửi tặng và kết nối với thầy cô, tìm về ký ức mái trường xưa.
Tham gia đấu giá từ 12h ngày 12/11 đến 12h ngày 19/11 tại website.