Phát biểu không theo bài đã chuẩn bị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn mang theo một chiếc túi nhỏ đến Hội nghị quán triệt Nghị quyết trung ương 8 và Tổng kết năm học 2012-2013 vào sáng 28/12. Ông cho biết, từ khi nhận nhiệm vụ mới đã dành nhiều thời gian cho giáo dục, nhiều đêm không ngủ được vì trăn trở.
"Chúng ta đều nhận thấy phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Không phải xóa hết cái cũ, nhưng những cái không còn phù hợp với tình hình mới nếu không thay đổi sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, giáo dục liên quan đến mọi người dân, một thay đổi nếu không phù hợp liên quan đến cả một đời người và nhiều năm với dân tộc. Vì vậy, đổi mới phải quyết liệt nhưng cần trí tuệ, bình tĩnh, không câu dầm để kéo lui", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Nêu vấn đề thi tuyển vào đại học, ông Đam cho rằng cần xem xét cẩn thận. Đất nước đang hội nhập, phát triển rất tốt. Trên diễn đàn quốc tế, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên, không đơn thuần là bài phát biểu hay mà cả về thế và lực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận với các nước trong khu vực thì khoảng cách của chúng ta với họ còn khá xa, với thế giới thì càng xa hơn, nên cả nước nhất định phải đổi mới thật mạnh mẽ.
Trong giáo dục đào tạo, giải pháp quyết liệt nhất phải là từ đại học bởi hệ giáo dục này sát đầu ra và mục đích của giáo dục cuối cùng là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu báo cáo thì 30% sinh viên tốt nghiệp không xin được việc chứng tỏ chất lượng đào tạo có vấn đề. Nhưng bên cạnh đó số lượng cũng chưa đạt yêu cầu. Năm 2012, lao động qua đào tạo chưa đến 50%, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa đến 10%, tỷ lệ này so với các nước chỉ bằng khoảng 1/3, số sinh viên trên vạn dân cũng rất thấp.
Lấy ổ cắm đa năng và một chiếc USB từ trong chiếc túi nhỏ, Phó thủ tướng kể, ngày xưa, kinh tế khó khăn nên đi công tác nước ngoài phải mang theo bàn là để tự ủi quần áo. Nhưng có những lần không thể cắm điện được vì ổ không vừa. Ông và bạn bè nghĩ ra cách phải mang theo ổ điện, có lần bị chập điện, ngắt cầu chì, nhân viên khách sạn phải chạy lên sửa chữa. Sau này, ổ điện mang theo dần dần được cải tiến, nhỏ hơn rồi bây giờ đã có ổ cắm đa năng. Ngoài ra, một thiết bị nhỏ gọn mà Phó thủ tướng thường mang theo là chiếc USB có thể cắm vào bất cứ thiết bị nào.
"Nói như vậy để thấy rằng hội nhập rất quan trọng. Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học phải đưa về chuẩn theo hướng quốc tế, đào tạo ra những công dân toàn cầu. Tất nhiên để làm được như vậy phải có lộ trình, nhưng phải thực hiện với tinh thần quyết liệt, khoa học. Chậm không có nghĩa là chắc, khẩn trương không có nghĩa là ẩu. Nếu xách một xô nước đi từng bước đã khó, giờ chạy theo người khác còn khó hơn, nhưng chúng ta phải cố gắng làm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, trước hết giáo dục phải xem lại cả hệ thống, đánh giá thực trạng, xem mình đang ở đâu, mạnh điểm nào, yếu điểm nào. Cái dễ thấy nhất là tên gọi các trường đại học thì không có nước nào như Việt Nam. Trường nào cũng thi nhau University, nâng cấp trường cao đẳng lên đại học cũng dùng University. "Ngay tên gọi đã chẳng đâu vào đâu thì sao có thể hội nhập và đòi sinh viên được công nhận trên thế giới", ông nói và dẫn chứng, phần lớn học sinh Việt Nam sang nước ngoài chỉ được chấp nhận vào những trường có thứ hạng rất thấp.
Ông Đam kể, khi hỏi điều này, lãnh đạo Bộ nói chỉ để ý đến tên tiếng Việt. Như vậy là do bị sức ép nhiều đến những điều trước mắt nên Bộ cũng quên đi những điều căn bản. Vì vậy, cần nhìn thực trạng mình ở đâu. Đổi mới cơ sở vật chất đã khó, nhưng khó hơn là giáo viên. Chưa nói đến chất lượng thật, mới nói đến số lượng giáo sư, giáo viên trên đầu sinh viên đã là điều bất cập. Những giáo sư có thể nói chuyện (chưa nói đến giảng bài bằng ngoại ngữ) cũng rất ít.
"Phải nghiêm khắc nhìn nhận, có những chuyện rất bé nhưng chúng ta không chú ý, để lại hậu quả rất lớn. Chúng ta phải cầu thị, nhìn nhận đúng để có giải pháp đúng đắn”, Phó thủ tướng trăn trở.
Ở những nước phát triển, kinh tế tác động lại giáo dục, hỗ trợ giáo dục nên mọi người có thể lựa chọn môi trường học tập phù hợp, giáo sư có những phẩm chất đúng, sinh viên có tinh thần học hỏi thì không cần thi vào. Quá trình học không đủ tiêu chuẩn thì sinh viên sẽ bị loại ra. Nhưng ở Việt Nam ai vào cũng ra được và có bằng cấp là được trọng dụng nên ai cũng chạy theo bằng cấp.
"Nếu muốn có một khâu đột phá, trước hết cùng với thi cử phải đột phá về quản lý giáo dục, mà Bộ GD&ĐT phải thực hiện đầu tiên. Bộ không thể chịu trách nhiệm hoàn toàn về giáo dục nhưng phải đổi mới đúng nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước. Nếu đổi mới theo đúng nghĩa thì một số trường đại học sẽ bị đụng chạm, các trường phải sẵn sàng chấp nhận điều đó, khi chưa đạt yêu cầu thì có thể bị dừng tuyển sinh, đào tạo”, ông Đam đề xuất.
Theo ông Đam, điều kiện hiện nay rất thuận lợi để chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, các trường nước ngoài cũng sẵn sàng liên kết đào tạo, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì có thể đổi mới rất tốt. Điều quan trọng là đội ngũ quản lý, chương trình phải đổi mới, để sinh viên vào đến trường đại học được trang bị hành trang đầy đủ. Cần dạy những kiến thức cần thiết và học đúng theo chuẩn chương trình. Phải bàn bạc dân chủ, cởi mở, tiếp thu ý kiến người dân.
"Về mặt dài hơi là như vậy, nhưng ngay trước mắt là tuyển sinh đại học, đây là vấn đề liên quan đến mọi gia đình nên Bộ cần phải phân tích kỹ, tuyên truyền sâu rộng cho phụ huynh, học sinh vì việc này ảnh hưởng đến cuộc đời các cháu. Nguyên tắc xuyên suốt là không để học sinh chịu thiệt thòi bởi các cháu xứng đáng có quyền lựa chọn cơ sở giáo dục tốt", ông Đam chỉ đạo.
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận tiếp thu những góp ý của Phó thủ tướng và hứa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ được làm cẩn thận, không gây xáo trộn trong xã hội và sốc cho học sinh.
Hoàng Thùy