Ngày 4/7/1970, như nhiều thành phố khác của Mỹ, Oregon ngập trong âm thanh pháp hoa và tiếng reo hò tiệc tùng, ăn mừng Quốc khánh. Trong đám đông có ba người đàn ông trẻ tuổi đang tận hưởng niềm vui nhân ba của kỳ nghỉ hè, Roger Adams, Ken Bowers và Michael Gaskell, đều ở độ tuổi 19-20.
Họ bắt đầu bằng rượu bia, tiệc tùng, đi quanh quán bar và các tụ điểm công cộng, tham gia đủ trò nhưng vẫn chưa cảm thấy đủ phấn khích. Đồng hồ điểm 24h nhưng vẫn còn quá sớm để về nhà, họ cầm một chai rượu mạnh đến Công viên Oregon. Sau khi dễ dàng bẻ hàng rào và chui qua, Roger lên mỏm đá của lồng nhốt gấu xám và treo mình vắt vẻo trên đó trong sự cổ vũ của bạn.
Roger tiếp tục vào hang sư tử. Anh nắm chặt mép sắt của nóc chuồng và thả mình vào trong, đu đưa đầy khiêu khích như tấm khăn choàng đỏ phấp phới trước mặt một chú bò tót trong trận đấu bò. Roger hò hét, chế nhạo con sư tử cái bằng toàn bộ chiều dài cơ thể đang lủng lẳng của mình.
Khi Roger ngồi treo vắt vẻo trên đỉnh hàng rào, con vật đã bắt trượt chân của anh trong lần đầu. Lần thứ hai, con sư tử cái tóm lấy mắt cá chân của chàng trai 19 tuổi. Roger bị mất sức bám, rơi xuống hang.
Hai người bạn bên ngoài cố gắng xua đuổi bầy sư tử bằng vũ khí duy nhất trong tay là chai rượu. Họ liều mạng ném nó qua hàng rào song chỉ khiến con vật thêm giận dữ.
Ken và Michael cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Michael nhận nhiệm vụ tìm người trông coi vườn thú, trong khi Ken ở lại bên cạnh hố sư tử để an ủi Roger trong những giây phút cuối cùng.
Roger là người đầu tiên bị giết trong lịch sử hơn 50 năm của vườn thú. Cái chết của anh được cho là điển hình của nhiều rủi ro trong vườn thú, sự kết hợp chết người giữa rượu và sự ngu ngốc. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc.
Sáng sớm 6/7, chỉ 30 giờ sau cái chết của Roger, một tay súng không rõ danh tính đã lẻn vào sở thú, bắn ba phát. Hai viên trúng vào hai con sư tử, viên thứ ba bị trượt.
Khoảng 5h cùng ngày, một người gọi điện giấu tên đã báo vụ nổ súng cho cảnh sát. Khi người bảo vệ đến kiểm tra, những con sư tử trông vẫn ổn. Vết đạn không được chú ý cho đến khi hai con bỏ ăn bữa sáng. Nhưng chúng chết trước buổi trưa.
Gia đình Roger trở thành những kẻ tình nghi, bị dư luận phẫn nộ công kích. Trong nhiều ngày, thành viên gia đình bị dồn dập làm phiền bởi khoảng 40 cuộc gọi căm thù.
Trong khi đó, cảnh sát đang chậm chạp điều tra về vụ giết hai con sư tử. Theo nhận định, thủ phạm rõ ràng không quen với súng khi sử dụng loại đạn không phù hợp. Điều này làm cho các quả đạn pháo tách ra trong khoang và khiến phát súng thứ ba bắn sai. Cảnh sát thu hẹp điều tra bằng cách tìm kiếm những trường hợp bị bỏng do thuốc nổ, bột đạn pháo hoăc gì đó tương tự nhưng không có kết quả.
Năm tháng trôi qua, cuộc chiến sôi sục của những người yêu động vật đòi quyền lợi cho những con vật đáng thương, dần nguội lạnh. Vườn thú đã nhanh chóng mua một cặp sư tử khác từ Sở thú Thành phố Mexico. Gia đình Roger dần quen với mất mát. Hồ sơ cảnh sát về vụ án trong vườn thú đã phủ nhiều lớp bụi.
Sau đó, cuối năm 1972, vụ án đột ngột trở lại trên các mặt báo. Ken Bowers, khi đó 23 tuổi, bị bắt vì tội danh ma túy. Bị dồn ép nhiều năm, Ken quyết định khai ra sự thật đè nặng lồng ngực: Chính mình là tay súng đã bắn chết cặp sư tử Sis và Caesar, động cơ là trả thù cho bạn.
Tháng 1/1973, Ken nhận tội giết hại động vật và một tội danh về ma túy. Tại phiên điều trần giảm nhẹ trước khi tuyên án, Ken cuối cùng đã kể câu chuyện của mình.
Tất cả bạn bè của Roger đều rất buồn trước cái chết của anh, đặc biệt là Ken. Họ là đôi bạn thân nhất, Ken khai thấy cần phải trả thù cho bạn như biểu hiện của tình anh em.
Anh ta đã mượn một khẩu súng, nạp nhầm đạn vào nó, lẻn vào sở thú lần thứ hai và thực hiện tội ác. Anh ta tuyên bố không có bất cứ điều gì chống lại động vật nói chung, thậm chí "một con mèo cào cũng khiến tôi hoảng sợ".
Ken nói hai năm sau, vẫn gặp ác mộng về hình ảnh của Roger trong hang. Đó không phải là câu chuyện gây nhiều xúc động nhưng đã giúp anh ta không phải nhận mức án tối đa. Thay vì ngồi tù 3 năm, anh ta được ra tù với 3 năm quản chế và bị phạt 1.200 USD (khoảng 8.000 USD ngày nay).
Hải Thư (Theo Gizmodo, NYT, Oregon live)