Ông Trần Đắc Phu là Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nguyên cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.
- Ông đánh giá thế nào về công tác chống dịch trong ba tháng qua?
- Ba tháng qua, Việt Nam vẫn ổn định chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tốt. Tôi nhấn mạnh một điểm trong chiến lược này đó là ''phù hợp", tính toán thời điểm nên làm gì và không nên làm gì. Ví dụ, ban đầu Việt Nam tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, nhưng đến lúc cần thiết, chính phủ quyết định giãn cách xã hội sớm và quyết liệt. Do vậy dịch chậm lại, không bùng lên.
Nhiều nước không áp dụng các biện pháp đúng, phù hợp, nên từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đến lúc bùng lên trong thời gian rất nhanh. Khi dịch bùng lên, họ phải phong tỏa chứ không còn giãn cách nữa.
Chúng ta làm phù hợp, không những phòng bệnh mà còn không gây hại đến kinh tế hay ảnh hưởng đến an sinh xã hội một cách không đáng có. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác đã công nhận chiến lược của ta. Đó là thành công.
Không chỉ có chiến lược phòng dịch tốt, ngay cả việc xét nghiệm và điều trị của Việt Nam đến lúc này đã có những tiến bộ và thành công nhất định.
- Những tiến bộ đó là gì?
- Về xét nghiệm, ngay từ đầu Việt Nam đã áp dụng test kit để xét nghiệm nCoV, sau đó tiến tới tự sản xuất được test, thậm chí là phân lập được virus này.
Việt Nam chủ yếu tập trung xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ, đây là "một sự tiết kiệm" trong lúc không thể áp dụng mô hình xét nghiệm quá lớn được, bởi nó phụ thuộc vào năng lực và tiềm lực quốc gia.
Ban đầu Việt Nam chỉ có ít phòng xét nghiệm nCoV, đến nay đã có khoảng 110 phòng xét nghiệm và gần 40 cơ sở xét nghiệm khẳng định. Chúng ta cũng đang cố gắng phát triển một số loại hình test kit mới.
Việt Nam cũng kiểm soát được việc xét nghiệm. Tôi lấy ví dụ vừa qua, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 không cho xét nghiệm dịch vụ, bởi nó có thể gây sự hoảng loạn cho người dân. Nếu ngược lại, người dân sẽ ồ ạt đi xét nghiệm dịch vụ, không cần thiết. Đó cũng là một thành công.
Về điều trị, Việt Nam áp dụng điều trị tại chỗ tốt. Có những ca bệnh được điều trị khỏi bệnh ở tuyến huyện. Chỉ những ca bệnh nặng mới chuyển lên tuyến trên, tránh quá tải. Đặc biệt, Việt Nam chưa có ca tử vong, trong khi nhiều nước khác có hệ thống y tế tốt những vẫn không kiểm soát được số ca tử vong.
Việt Nam có kinh ngiệm điều trị SARS. Vừa qua, có ca nặng nhưng đã cấp cứu được. Tôi hy vọng những ca này sẽ tiến triển tốt, duy trì không có ca nào tử vong.
- Khi nới lỏng giãn cách xã hội, sẽ có những thách thức gì cần vượt qua để đảm bảo ngăn ngừa dịch tái phát?
- Việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân đặt lên hàng đầu, nhưng vẫn phải phát triển kinh tế. Khi nới lỏng giãn cách xã hội, sẽ là giai đoạn "sống chung an toàn với Covid-19". Thách thức là phải đề ra mô hình, cách thức phù hợp nhất để phòng chống dịch hiện nay.
Tình hình dịch có khả quan khi 6 ngày nay không ghi nhận ca mắc mới, một số ổ dịch đã khống chế được. Các ca bệnh nhập cảnh, lây lan đều đã được khống chế. Song, thực tế dịch vẫn phức tạp, thế giới vẫn có nơi xảy ra mấy trăm người chết, mấy nghìn người nhiễm trong một ngày. Nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam vẫn còn.
Khi nới lỏng giãn cách, các tỉnh có nguy cơ thấp có thể được hoạt động trở lại một số loại hình dịch vụ. Nhưng, dù ngành nghề gì thì cũng phải đảm bảo phòng dịch, có hướng dẫn cụ thể chi tiết để mỗi người kinh doanh thực hiện và cơ quan quản lý dễ kiểm tra.
Từ nay về sau tuyệt đối không được chủ quan, bởi chỉ cần xuất hiện một ca trong đám đông, không quản lý được, dịch sẽ bùng lên không kiểm soát.
- Nếu ngày mai các thành phố lớn dừng giãn cách xã hội, mỗi cá nhân nên chú ý điều gì?
- Theo tôi mọi người cần thực hiện ''5 an toàn" để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Thứ nhất tất cả người dân vẫn phải đeo khẩu trang, không chỉ phòng Covid-19 mà còn các bệnh hô hấp khác.
Thứ hai, không tụ tập đông người, tránh tiếp xúc gần.
Thứ ba, không đi ra ngoài khi không cần thiết, đặc biệt những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính.
Thứ tư, tiếp tục khử khuẩn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc theo khuyến cáo phòng chống dịch.
Thứ năm, tiếp tục khai báo y tế khi có các triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí cả mệt mỏi không rõ nguyên nhân.