Ở tập 10 lên sóng hôm 6/10, Phạm Thoại lần đầu để bốn học trò Huỳnh Bảo, Marko, Mẹ Bắp và Hà Ny dẫn dắt phiên livestream trên kênh của mình. Các nhà sáng tạo trẻ vận dụng kiến thức, kỹ năng anh truyền đạt để thuyết phục người xem vì sao nên "chốt đơn" sản phẩm đó. Suốt thử thách, Phạm Thoại nhường lời, đóng vai trò trợ lý, nâng đỡ đàn em.
Với Huỳnh Bảo và Marko - nhóm từng có kinh nghiệm bán hàng trên livestream, Phạm Thoại yêu cầu họ cao hơn: bán 5.000 đơn trong một tiếng. Còn với người lần đầu chạm ngõ lĩnh vực livestream như mẹ Bắp, Hà Ny, anh không đòi hỏi khắt khe, thay vào đó đưa chỉ tiêu thấp hơn. Thoại kỳ vọng họ sẽ quan sát, học hỏi nhiều hơn, từ đó cải thiện khuyết điểm, tự tin trong các phiên livestream kế tiếp.
"Tôi lo nhất là mẹ Bắp vì ở các buổi đào tạo trước đó, cô ấy nói khá ít, chưa hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm, không biết tư vấn ra sao", anh nói. Thoại cũng băn khoăn và tự đặt cho mình câu hỏi: khán giả phản ứng thế nào, có ủng hộ học trò của mình hay không?
Suốt phiên livestream, cả bốn thí sinh cho thấy sự hoạt ngôn, nhanh nhẹn, tư vấn chi tiết từng sản phẩm. Mẹ Bắp lần lượt chào mời đặc sản quê nhà Ninh Thuận như táo tươi, táo sấy dẻo, giới thiệu xuất xứ, cách người dân vùng này trồng trọt, thu hoạch và yếu tố quan trọng trước khi đưa thành phẩm đến tay người tiêu dùng. Hà Ny nhiệt tình mời người xem tham khảo combo áo trị giá 150.000 đồng, mô tả chất liệu, kiểu dáng và gợi ý nên tặng cho ai.
Tương tự, Huỳnh Bảo, Marko dẫn dắt phiên livestream sôi động, nhấn nhá yếu tố hài hước, cho thấy hiểu biết sâu rộng, tìm hiểu kỹ sản phẩm. Chứng kiến màn thể hiện của bốn học trò, Phạm Thoại liên tục mỉm cười, gật đầu và đọc kết quả đơn đã chốt.
"Tôi vui khi cả bốn em tiếp thu tốt điều mình căn dặn, hướng dẫn suốt những buổi training", Phạm Thoại nói.
Ở hậu trường sau đó, bốn nhà sáng tạo nhập môn cho biết chương trình Nghề Chủ Chốt là kỷ niệm đáng nhớ, tiếp thêm nhiệt huyết để họ định hình hướng đi tương lai. Cả bốn học hỏi nhiều điều từ Phạm Thoại và tri ân vì anh luôn sát sao, chỉ dẫn họ cách tương tác với khán giả, chọn sản phẩm, xây dựng ý tưởng, câu chuyện đến kỹ thuật "nhấn nhá", điều chỉnh tốc độ nói...
Theo đó, Huỳnh Bảo xúc động khi được đàn anh chỉnh sửa lỗi sai, điểm mạnh yếu và cổ vũ "cứ mạnh dạn phát triển", "không nên sợ sai, sai thì sửa". Phạm Thoại cũng nhiều lần khẳng định không sợ học trò vượt mặt mình.
Hà Ny học hỏi Phạm Thoại ở kỹ năng, sự tập trung và chữ tâm trong nghề. Con đường phía trước rất dài, cô hy vọng mình sẽ thành công nhờ bài học từ Nghề Chủ Chốt và luôn tâm huyết với mọi việc.
Tương tự, từ không biết gì về livestream bán hàng, run rẩy khi đối diện máy quay và khó mở miệng, mẹ Bắp dần hiểu cách tư vấn, truyền đạt thông tin rõ ràng đến người xem. Thành viên Marko hiểu cách chuẩn bị một phiên livestream chất lượng, không chỉ dừng lại ở việc cầm sản phẩm, thông báo giá mà phải vạch sẵn ý tưởng, xây dựng kịch bản và điều chỉnh sao cho "hợp trend".
Trong vai trò người hướng dẫn, thị phạm, Phạm Thoại làm tròn trách nhiệm và sự trưởng thành của đàn em sau phiên livestream là "quả ngọt" dành cho anh. Theo anh, mỗi nhà sáng tạo nên định hình phong cách riêng biệt, biến ý tưởng học hỏi thành của riêng mình để tạo dấu ấn cá nhân.
Phạm Thoại cho rằng với sự phát triển của công nghệ số, nghề livetream bán hàng ngày càng phổ biến, ngay cả hoa hậu, người mẫu, diễn viên cũng tham gia. Hiện một số cuộc thi nhan sắc cũng yêu cầu thí sinh trải qua phần thi phụ - livestream.
Anh quan niệm không hẳn hoạt ngôn mới có thể làm livestream bán hàng và luôn có cơ hội cho người mới - từ già đến trẻ, không phân biệt giới tính, xuất thân. Thoại lý giải những người đi từ số 0, nếu chăm chỉ, nỗ lực, có thể chạm đến mốc son nào đó.
Trước đó, Phạm Thoại từng đậu bốn đại học, vì nhà quá nghèo, anh phải từ bỏ giảng đường ở năm thứ tư. Để kiếm tiền phụ gia đình, anh mày mò đủ nghề, rồi bén duyên mảng sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết (affiliate creator). Điều khiến Thoại đau lòng là bị một số người mắng nhiếc "vô học", "kẻ bán dạo" hay "thánh chửi".
"Xuất phát điểm của tôi là số 0, không có ai giúp đỡ. Để ngồi ở vị trí này, với tôi là cả quá trình", anh nói. Qua Nghề Chủ Chốt, anh mong khán giả thấy được một Phạm Thoại nghiêm túc làm việc, nỗ lực từng ngày. "Tương lai, tôi phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn và mong sẽ giúp đỡ nhiều thế hệ nhà tiếp thị liên kết kế cận", anh nói thêm.
Qua 10 tập phát sóng và loạt thử thách, Nghề Chủ Chốt khắc họa bức tranh chân thực, gần gũi về nghề, với đủ cung bậc cảm xúc, qua đó trở thành bệ phóng, nâng bước và tiếp sức đam mê cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ.
Đông Vệ