Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha giai đoạn 1858-1860, quân dân triều Nguyễn đã đẩy đuổi khoảng 3.000 quân giặc ra khỏi Đà Nẵng sau 19 tháng, phá tan chiếc lược đánh chiếm nơi này thần tốc để làm bàn đạp tấn công kinh đô Huế. Theo một số tài liệu, số binh lính liên quân thiệt mạng khoảng 1.000, gồm chết trận, chết vì bệnh tật. Triều Nguyễn thiệt hại hơn 5.000 người.
Nhìn nhận về nguyên nhân giành thắng lợi trong buổi đầu chống Pháp, nhà nghiên cứu Trần Văn Quyến, Trường Đại học Thăng Long, nói trước tiên phải kể đến tinh thần đoàn kết, quyết tâm của quân dân triều Nguyễn bằng mọi giá giữ được Đà Nẵng để bảo vệ kinh thành Huế.
Chính quyền đã cho xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn. Khi liên quân nổ phát súng đầu tiên sáng 1/9/1858, ban đầu quân triều đình hơi bất ngờ và bị thiệt hại, phải rút lui, phòng thủ, nhưng sau đó đã điều nhiều binh sĩ tinh nhuệ, tướng giỏi như Nguyễn Tri Phương đến chiến trường Đà Nẵng.
Pháp nghĩ cứ chiếm được thành là chiếm được tất cả, đạt được mục tiêu tốc chiến tốc thắng, nhưng thực tế không dễ dàng. Người dân ở các làng mạc thưa thớt ven sông Hàn đã sớm bỏ lại vườn không nhà trống, khiến liên quân dần cạn kiệt lương thực. Cộng với việc thời tiết miền Trung khắc nghiệt, nhiều binh lính mắc bệnh, quân số dần hao tổn.
Theo một số tài liệu, người dân đất Quảng còn ngày đêm dùng lưới đánh cá căng ngang dòng sông, làm sọt tre, đổ đất lấp sông Vĩnh Điện để thay đổi dòng chảy, khiến hạ lưu sông Hàn nông cạn, tàu thuyền của liên quân Pháp - Tây Ban Nha không thể tiến sâu vào trong bờ xả súng. Người công giáo đã không làm nội ứng tiếp tay như dự tính ban đầu của Pháp, khiến nội bộ chỉ huy liên quân lục đục.
Đặc biệt, theo ông Quyến, quân dân triều Nguyễn đã sử dụng lối đánh du kích làm tiêu hao sinh lực và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ cho phía liên quân. Chiến thuật này nhằm kéo dài thời gian để củng cố hệ thống đồn lũy, vũ khí, quân lương, đồng thời khiến quân địch dần suy yếu, sau đó tự rút lui. Quân triều đình không đánh mà thắng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế, cũng cho rằng yếu tố quyết định khiến quân dân nhà Nguyễn đứng vững trước cuộc xâm lược của phương Tây tại Đà Nẵng là điều chỉnh chiến thuật phù hợp, chuyển từ đối đầu trực diện sang chiến tranh du kích, bao vây, phá hoại và gây khủng hoảng tinh thần cho đối phương.
Theo ông Tiến, đối đầu với đội quân xâm lược quá mạnh, "đại bác bắn trúng thành thì thành đổ liêu xiêu, trúng kho thuốc súng thì phá tan tành", quân đội triều Nguyễn, đặc biệt là tướng Nguyễn Tri Phương đã sớm nhận thức mình yếu hơn thì phải chuyển qua tạm thời ẩn nấp, tìm cơ hội đối phương sơ sở để tấn công, từ đó dần chuyển hóa tương quan lực lượng.
"Cách đánh du kích của quân dân Việt Nam thời điểm đó giống như một thử nghiệm, chưa được nâng lên thành nghệ thuật như trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, nhưng đã phát huy hiệu quả", ông Tiến nói. Đối phương gấp rút muốn hoàn thành cuộc chiến nhưng buộc phải kéo dài, gặp khó khăn về hậu cần, dịch bệnh và lòng quân nản.
Ngoài bài học về tinh thần đoàn kết của quân dân triều Nguyễn và lối đánh du kích trong cuộc chiến 1858-1860, thạc sĩ Trần Văn Quyến cho rằng việc bảo vệ Đà Nẵng trong những ngày đầu chống Pháp cũng giúp chính quyền xác định lại vị trí phòng thủ quân sự quan trọng tại miền Trung. Không phải ngẫu nhiên sau Pháp, năm 1965, Mỹ đổ bộ tham chiến ở Việt Nam cũng chọn Đà Nẵng nổ súng.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, nhìn nhận cuộc kháng Pháp dưới chân thành Điện Hải được xem như một cuộc chạy tiếp sức từ Đào Trí đến Lê Đình Lý và đến tướng Nguyễn Tri Phương. Tổng tư lệnh của cuộc chiến chính là vua Tự Đức. Nhà vua đã điều Nguyễn Tri Phương từ trong Nam Kỳ ra chiến đấu tại mặt trận Đà Nẵng.
"Có thể nói vua Tự Đức và tướng Nguyễn Tri Phương như cặp bài trùng trong cuộc chiến. Những người đứng đầu đã thể hiện được tài năng và bản lĩnh trong việc lãnh đạo quân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc", ông Tiếng nói.
Đẩy đuổi Pháp ra khỏi Đà Nẵng giúp nhà Nguyễn bảo toàn được chính quyền. Nếu để mất Đà Nẵng, kinh đô Huế bị tấn công sẽ thất thủ. "Huế thất thủ tức là mất nước, vì triều đình Trung ương bị tiêu diệt. Hai khả năng sẽ xảy ra, một là chúng ta bại trận, hai là phải ký hiệp ước đầu hàng và cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc sẽ kết thúc ngắn ngủi. Tuy nhiên, mục tiêu của Pháp đánh chiếm nhanh Đà Nẵng đã phá sản", ông Nguyễn Quang Trung Tiến nói.
Sau 19 tháng bị cầm chân ở Đà Nẵng, Pháp phải chuyển kế hoạch tấn công Gia Định và miền Nam. "Khi Pháp đã đánh vào Gia Định là chấp nhận thay đổi chiến thuật sang đánh lâu dài, xâm chiếm từng chút một", ông Tiến phân tích. Thực tế phải đến năm 1883, Pháp mới buộc triều Nguyễn ký hòa ước Quý Mùi (hòa ước Harmand), chấp nhận sự bảo hộ của Pháp.
165 năm sau cuộc chiến, điều khiến Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng trăn trở là việc tri ân các nghĩa sĩ ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc. Nghĩa trủng Nam Ô, nơi yên nghỉ của rất nhiều nghĩa binh, nhân dân, quân triều đình hy sinh trong trận đánh đồn Chân Sảng, chưa được công nhận di tích quốc gia như ở nghĩa trủng Phước Ninh và nghĩa trủng Hòa Vang. Nền đồn Chân Sảng cũng cần được quan tâm, giữ lại khi làm dự án nghỉ dưỡng.
Thành điện Hải đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, nhưng bên kia sông Hàn, thành An Hải không còn dấu tích. "Chúng ta nên dựng lại tấm bia tưởng niệm, nơi một thành trì đã hoàn thành nhiệm vụ rất tốt trong cuộc chiến", ông Tiếng nói.