Clip ghi lại tiết học đạo đức của cô giáo 87 tuổi gần đây gây sốt trên fanpage hệ thống giáo dục trực tuyến Học mãi. Mặc dù bài giảng được ghi hình cách đây 10 năm với chất lượng âm thanh khá kém, nhưng khi được chia sẻ lại, vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh với 3,4 triệu lượt xem cùng gần 100 nghìn lượt thích và chia sẻ.
Bài giảng kéo dài hơn 7 phút nói về đạo hiếu, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Bằng giọng nói ấm áp và hào sảng, cô giáo mở đầu bằng những câu chuyện gần gũi về công lao dạy dỗ của bậc sinh thành.
“Trong suốt hành trình cuộc đời, cha mẹ luôn là người thầy đầu tiên dạy cho con từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành và cho đến ngày nào người còn tại thế… Người đã đem hết sở học, hết kinh nghiệm của mình để dạy các con với tất cả tình thương bao la và nỗ lực triền miên”, cô nói.
Cô Đức cho rằng, cha mẹ là người thầy đầu tiên, trọn đời và toàn diện của con cái. Song ngày 20/11, hiếm có bông hoa nào dâng tặng cho họ. Con cái có thể không tặng hoa, song cần thể hiện những cử chỉ quan tâm tới ba mẹ. thôi. Thông qua những câu chuyện cảm động, cô đã giúp học sinh thấm thía rằng, yêu thương cha mẹ không bằng tiền tài hay danh vọng, đôi khi một lời nói ấm áp cũng đủ làm cuộc đời bậc sinh thành trở nên ý nghĩa.
Bài giảng thu hút hàng nghìn người để lại bình luận bày tỏ cảm xúc của mình. Bạn Hoàng Nhị chia sẻ: “Cụ giáo ơi, một bài học lý tưởng về ơn sinh thành không chỉ cho con trẻ hiện nay, mà còn là bài học thấm thía dành cho người trưởng thành. Mong sao bài học này đến được với những người con chưa hiểu để không khỏi ân hận khi không còn ba mẹ trên đời”.

Bài giảng của cô giáo 87 tuổi thu hút 3,4 triệu lượt xem.
Cô Đàm Lê Đức trước đây giảng dạy tại khoa Toán thống kê, Đại học Kinh tế TP HCM. Sau khi nghỉ hưu, cô vẫn miệt mài trên bục giảng, chuyển công tác về dạy đạo đức ở cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS - THPT Đức Trí, TP HCM.
Cách truyền đạt gần gũi và nhẹ nhàng của cô giáo khiến bài học đạo đức lan toả nhanh chóng. Cách thức giảng online nói về những nền tảng truyền thống cũng được đông đảo học sinh và phụ huynh đón nhận.
Theo cô, nhiều người coi môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn phụ, nhưng ngoài học chữ, quan trọng nhất vẫn là học làm người. Những bài giảng của cô không quá cầu kỳ, không mang tính giáo huấn hay khuyên răn, mà là những câu chuyện giản dị đời thường trong cuộc sống. Ở tuổi 87, cô tâm nguyện sẽ đứng lớp giảng dạy về đức dục và trí dục đến phút chót cuộc đời.
An San