Nhạc sĩ Văn Ký qua đời hôm 26/10, để lại nhiều tiếc thương trong lòng người yêu nhạc. Sinh thời, ông là tác giả của hơn 400 ca khúc cách mạng, trữ tình quê hương, trong đó Bài ca hy vọng khơi gợi tinh thần yêu nước cả thời chiến lẫn thời bình. Khi sáng tác nhạc phẩm năm 1958, nhạc sĩ vừa tròn 30 tuổi, trái tim trong sáng, giàu nhiệt huyết. Giữa bom đạn chiến tranh, ông vẽ bức tranh nên thơ với những chấm phá, ẩn dụ tài tình. Hình ảnh đàn chim bay giữa gió xuân về phương Nam vừa tạo ra sợi dây tình cảm kết nối giữa hai miền Nam - Bắc, vừa gieo hy vọng về một tương lai tươi sáng.
"Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân
Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương
Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ"
Bài hát chỉ vẻn vẹn tám câu nhưng đi vào lòng người nhờ giai điệu, ca từ đẹp. Nhiều người nghe cho rằng "đôi chim bay" ngụ ý ca ngợi tình yêu son sắt, thủy chung thời chiến. Tuy nhiên, nhạc sĩ từng nói: "Khi sáng tác, tôi đặt mình vào một vị trí khác, không đơn thuần là tình cảm bình thường, tình yêu đôi lứa mà là cảm xúc tự nhiên bật lên, biến suy nghĩ của mình hướng đến những điều lớn lao, tươi đẹp của dân tộc mà ngay chính tôi cũng không hình dung được".
Vì vậy, ở khổ sau, nhạc sĩ vẫn chọn hình ảnh đàn chim nhưng mang tâm thế khác. "Đàn chim bay cùng ta cất cánh" ngụ ý về bước chuyển mình của dân tộc, nhất định giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Những hình ảnh "ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu", "gió, mưa, buồn thương và mây mù sẽ tan" vẽ ra tương lai tốt đẹp.
Ca khúc gắn liền tên tuổi các nghệ sĩ như Trung Kiên, Lê Dung, Quang Thọ, Khánh Linh... Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ký tâm đắc nhất với bản thu đầu tiên của Khánh Vân. Ông Trần Lâm - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy - chọn ca sĩ miền Nam, có giọng hát trong, sáng. Khánh Vân từng nói với nhạc sĩ: "Đây chính là tâm sự em muốn gửi tới miền Nam yêu thương". Giọng cố ca sĩ lảnh lót, truyền cảm. Ca sĩ mất năm 1993, nhạc sĩ Văn Ký gặp con gái bà - Khánh Tường - trong chuyến đi TP HCM năm 2018.
Bài ca hy vọng được nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng yêu mến. Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước - từng kể năm 1969, khi bị bắt giam ở nhà tù Côn Đảo, bà và đồng đội hàng ngày hát vang ca khúc. Ngày nay, khi du khách đến thăm nhà tù, các hướng dẫn viên du lịch thường giới thiệu Bài ca hy vọng là nhạc phẩm yêu thích của những người tù chính trị một thời. Hồi tháng 7, trong chương trình nghệ thuật Côn Đảo - Hồn thiêng Tổ quốc diễn ra tại đây, ca sĩ Thanh Ngân thể hiện bài hát khiến nhiều người xúc động.
Nhà thơ Lê Chín - bạn thân của cố nhạc sĩ Văn Ký - kể năm 2018, ông dự một buổi giao lưu ở Quảng Ngãi. Trong lúc ông được lãnh đạo tỉnh tặng hoa, khán giả phía dưới bỗng cất tiếng hát: "Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ". Hôm ấy, ông Nguyễn Anh Liên - nguyên Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam - nói: "Những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi vào Nam chiến đấu. Nghe tin con gái chết vì bom, tôi chỉ muốn quay về. Thế nhưng khi nghe Bài ca hy vọng do Khánh Vân hát, tôi gạt đau thương, tiếp tục hành quân cùng đồng đội".
Nhạc sĩ Văn Ký từng nói: "Các chiến sĩ yêu thích ca khúc bởi họ luôn tin tưởng vào tương lai, có niềm tin chiến thắng". Bản chép tay ca khúc cũng được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, như chứng nhân cho một thời hào hùng của dân tộc.
Hà Thu