"Cả tổ ơi, tôi đang cần chi viện", bác sĩ Đỗ Kim Bảng, trưởng khoa Tim mạch C3 mở lời nhắn tin vào nhóm bạn học cũ.
"Ở đây có nhiều bệnh nhân thở máy mà không có người nhà. Không có bỉm để thay. Cả nhà ai có thể tài trợ và mua bỉm người lớn không? Ấm đun siêu tốc không dùng, cho tôi xin với".
Mọi người trong nhóm đều bất ngờ. "Mình đọc mà tim thắt lại!", một người bạn chia sẻ. Bạn bè đồng nghiệp ai cũng lo lắng cho chị. Vợ chồng bác sĩ Bảng đều làm trong bệnh viện Bạch Mai, cả hai cách ly cùng toàn viện từ 28/3.
Ngay lập tức, nhóm bạn học huy động mọi người hỗ trợ bác sĩ Bảng cũng như Khoa C3 bằng máy đun siêu tốc, bỉm người lớn và khăn ướt... để chăm sóc bệnh nhân. Cả nhóm góp gần 30 triệu đồng, cử nhân viên đi mua đồ chuyển đến.
"May quá", bác sĩ Bảng nhắn lại vào trong nhóm chung. "Cảm ơn và mong mọi người đều bình an!".
Viện Tim mạch nơi bác sĩ Bảng làm việc vẫn duy trì điều trị các bệnh nhân nội trú đang lưu viện. Người nhà bệnh nhân đã được đưa hầu hết lên Hòa Lạc ở cách ly khu riêng. Y bác sĩ làm thay việc chăm sóc người bệnh.
Hàng ngày ngoài thời gian chuyên môn, chị phải thường xuyên quan tâm bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt và động viên tinh thần cho bệnh nhân. Viện Tim mạch có nhiều bệnh nhân phải thở máy, bác sĩ cũng phải thay bỉm, giặt giũ, tắm rửa... cho họ.
"Nói chung làm tất cả mọi việc chăm sóc thay người nhà", bác sĩ Bảng cho biết. Những vật dụng tưởng chừng đơn giản như bỉm, khăn ướt, nước nóng... chị cùng các y bác sĩ không thể chuẩn bị xuể, số lượng nhiều, phải huy động từ bên ngoài vào.
Do cách ly, các bác sĩ bên ngoài không vào thay ca được, dẫn đến thiếu nhân lực ở một số khoa. Các y bác sĩ phải chia lại ca kíp để đủ người phục vụ bệnh nhân. Ở khoa Hồi sức tích cực, nơi các bệnh nhân nặng nhất điều trị, số lượng người bệnh không tăng, nhưng y bác sĩ không có người thay nên ca làm việc bị kéo dài ra. Mặc đồ bảo hộ nóng bí lâu khiến họ chóng mệt mỏi, hao sức.
Một bác sĩ nghe tin Covid-19 xuất hiện tại bệnh viện, đã mang thêm chăn màn quần áo để sẵn sàng ở lại viện túc trực. "Mang thêm chăn vào, nhưng không có thời gian nghỉ ngơi", anh cho biết.
Khoa Cấp Cứu không gặp nhiều vấn đề trong việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng vẫn có những khó khăn riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết khoa là nơi "đầu sóng ngọn gió", tiếp nhận hơn 200 người bệnh từ khắp mọi nơi đổ về mỗi ngày, trong đó đến 70% là bệnh nặng. Từ ngày cách ly, bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, cả khoa chỉ điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân nên không bị quá tải. Các bác sĩ vẫn tham gia hội chẩn, đi buồng, thăm khám bệnh nhân đang điều trị hàng ngày.
"Tuy nhiên, chúng tôi phải chia quân ra vì không bổ sung được kíp mới", ông cho biết. Tổng số y bác sĩ có mặt tại khoa hiện 32 người. Số lượng bác sĩ giảm khiến công việc mỗi người tăng, thêm việc thay người nhà chăm sóc bệnh nhân.
Không kể nhân viên y tế, toàn viện hiện còn 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới. Khó khăn hiện tại chủ yếu là làm sao đáp ứng và đảm bảo vấn đề về dinh dưỡng, điều kiện vật chất, sinh hoạt nếu cách ly kéo dài.
"Mong tình hình này sớm qua để bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, chữa bệnh cứu người", bác sĩ Chi nói.
Thúy Quỳnh - Thùy An