Lễ trao Huy chương ghi nhận sự cống hiến trong cả nhiệm kì được tổ chức ngày 15/3, tại căn cứ Bentiu, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Nam Sudan (UNMISS).
Chuẩn tướng Dhananjay Joshi, quyền Tư lệnh lực lượng Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan hoan nghênh nỗ lực tham gia các hoạt động quân - dân kết hợp (CIMIC) của bệnh viện 2.3, dù các y bác sĩ rất bận rộn với công việc chuyên môn. Đó là các chương trình tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS, hỗ trợ bệnh viện Bentiu, chia sẻ thuốc và trang thiết bị cho các cơ quan chức năng địa phương, ủng hộ đồ dùng học tập cho học sinh...
Đại tá Waleed Elazizy, trưởng Quân y Phái bộ UNMISS đánh giá cao vai trò của bệnh viện dã chiến Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh tại căn cứ Bentiu, ngăn chặn Covid-19 lây lan trong bệnh viện, bảo đảm môi trường an toàn cho bệnh nhân.
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc bệnh viện dã chiến 2.3 cho biết, từ khi triển khai đến Phái bộ ngày 26/3/2021, bệnh viện đã chăm sóc sức khỏe và điều trị cho hơn 1.400 lượt bệnh nhân là nhân viên Liên Hợp Quốc và người dân bản địa. Các bác sĩ đã thực hiện thành công hơn 16 ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không 15 ca.
Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân, phù hợp với điều kiện dã chiến; tổ chức tốt phòng chống dịch và tiêm phòng vaccine Covid-19, cung cấp oxy và xử lý tất cả chất thải y tế cho các bệnh viện cấp 1 khu vực Phái bộ.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy, điều hành của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam cử cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ tháng 6/2014. Ngày 1/10/2018, Việt Nam lần đầu tiên cử bệnh viện dã chiến đi thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan.