"Tại phòng khám số 1, Trung tâm hóa trị ngoại trú, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, giọng nói của một nam bác sĩ ân cần hỏi han một bệnh nhân nữ: "Hôm nay cô thấy trong người thế nào?". Đó là lời mở đầu buổi tư vấn của bác sĩ Phạm Nguyên Quý, người đang điều trị cho các bệnh nhân ung thư với tiêu chí sát cánh bên cuộc đời người bệnh và cố gắng cung cấp thông tin y tế chính xác cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật", bài báo của tờ Kyoto Shimbun viết.
Kyoto Shimbun là nhật báo lớn nhất thành phố Kyoto, chỉ xếp sau những báo nổi tiếng như Yomiuri, Asahi. Chuyên mục "Người tốt việc tốt ở cố đô" dành để giới thiệu những gương mặt tiêu biểu tại Kyoto, hiếm khi xuất hiện người ngoại quốc.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề Y ở Huế, bác sĩ Phạm Nguyên Quý sang Nhật từ năm 2002 bằng học bổng của chính phủ Nhật.
Vị bác sĩ 37 tuổi kể, ban đầu ước mơ của anh chỉ đơn giản là du học để đem những kỹ thuật và phương pháp điều trị tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam. Tuy nhiên, tinh thần tận tâm trong y tế (Omotenashi) ở Nhật khiến anh dần dần thay đổi suy nghĩ.
Theo bác sĩ Quý, giá trị cốt lõi trong nguyên tắc vận hành của các bệnh viện Nhật có thể thay đổi chút ít nhưng nhìn chung xoay quanh ba yếu tố: an toàn, chắc chắn, thoải mái. Ngoài yếu tố an toàn và chắn chắn liên quan tới khâu chẩn đoán và điều trị, các bệnh viện Nhật đề cao yếu tố thoải mái, tức là hỗ trợ tinh thần bệnh nhân thật tốt. Ví dụ, giường nằm phải mềm, ấm hay vào phòng mổ phải có người chào hỏi quan tâm, mở nhạc giúp thư giãn... Vị bác sĩ Việt nhận ra nhiệm vụ của thầy thuốc không chỉ là chữa lành về thể chất mà còn cần hỗ trợ bệnh nhân về tinh thần.
Năm 2008, bác sĩ Phạm Nguyên Quý là một trong tám sinh viên được cử sang Đại học Y khoa Harvard thực tập. Ở nước Mỹ, anh ấn tượng với những tờ rơi dành cho bệnh nhân tại các phòng khám và bệnh viện. Nhờ đọc chúng trong lúc chờ đợi, bệnh nhân giao tiếp hiệu quả hơn với bác sĩ, thậm chí cùng bàn bạc nghiêm túc về bệnh tình của mình.
"Ngày đó, Việt Nam chưa có những kệ sách trang trọng với thông tin được trình bày đẹp, dễ hiểu như thế cho bệnh nhân. Người Việt Nam cũng không có thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin y học chính thống nên tôi nghĩ ngay tới việc dịch ra tiếng Việt và làm những sản phẩm tương tự", bác sĩ Quý kể.
Rời Mỹ, bác sĩ Quý về Nhật với "một nửa vali toàn những tờ rơi thông tin y học". Cuối kỳ nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2012, anh khởi động dự án Y học Cộng đồng. Cùng bạn bè trong và ngành y, anh dịch, biên soạn và hiệu đính hơn 3.000 bài viết từ các website uy tín của nước ngoài, chia thành nhiều chuyên khoa như nội, ngoại, sản, nhi, và gần đây có thêm ung thư, bệnh do lối sống như tiểu đường và cao huyết áp. Các bài viết này đều được chia sẻ miễn phí trên website yhoccongdong.com.
"Tất cả nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về y tế. Ngày xưa ông Fukuzawa Yukichi ở Nhật đã nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ qua việc dịch sách, viết báo, tạo ra tầng lớp trí thức chuẩn mực ở Nhật. Nhờ đó mà xã hội đi lên", bác sĩ Quý chia sẻ.
Anh tin rằng việc giúp người dân có kiến thức nền tảng về y học, hiểu biết đúng về căn bệnh sẽ giúp họ trở thành cộng sự tốt và làm chủ quá trình điều trị của mình.
Không dừng lại ở các dự án chia sẻ kiến thức, Phạm Nguyên Quý còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ người Việt ở Nhật. Từ tháng 3/2018, anh xin Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren tổ chức những buổi khám ưu tiên cho người Việt vào chiều thứ sáu hàng tuần với điều kiện "đảm bảo không có rắc rối về ngôn ngữ gây hậu quả nghiêm trọng".
Mỗi buổi khám như vậy, bác sĩ Quý tiếp nhận khoảng 3-4 bệnh nhân. Người Việt tới khám liên hệ thẳng tới bệnh viện hoặc qua trang cá nhân của bác sĩ Quý để đặt hẹn. Thiếu nhân viên biết tiếng Việt, đôi khi anh phải đảm nhiệm mọi việc từ đón tiếp tới dắt bệnh nhân đi lãnh thuốc.
Nhờ buổi khám ưu tiên, nhiều người Việt ở Nhật đã tránh được tình huống dở khóc dở cười. "Đi xin việc phải nộp giấy chứng nhận sức khỏe nhưng một số bạn không biết cách làm. Có bạn đi lạc vào khu tầm soát ung thư, tốn 400-500 USD, chờ gần một tháng để có kết quả mà cũng chưa được bác sĩ nào chứng nhận vào tờ giấy đó. Sang Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren thì tôi làm ngay trong ngày cho họ với giá khoảng 25 USD theo quy định", bác sĩ Quý thuật lại.
Lần khác, anh Quý gặp một thực tập sinh người Việt mới sang Nhật có triệu chứng chán ăn, mất sinh lực, đi hơn 10 bệnh viện để khám một loạt xét nghiệm (nội soi, CT, siêu âm, xét nghiệm máu) mà vẫn không tìm ra bệnh. Sau khi tiếp nhận, hỏi bệnh sử chi tiết và xem lại các xét nghiệm, anh xác định vấn đề của bệnh nhân do căng thẳng quan hệ công việc với người Nhật. Phạm Nguyên Quý liên hệ với công ty và người điều phối tu nghiệp sinh để giải thích và thương lượng, bệnh nhân dần dần đỡ stress và ổn định hơn.
"Có những bệnh mà cách hỏi bệnh sử chi tiết giúp xác định nguyên nhân chính xác tới 80%. Cách tư vấn, can thiệp về mặt xã hội - tinh thần cũng có thể giúp khỏi bệnh. Nếu bác sĩ không tinh tế và cứ chỉ định xét nghiệm để loại trừ cho chắc ăn thì chỉ đẩy bệnh nhân vào vòng xoáy xét nghiệm vật chất mà thôi", vị bác sĩ trẻ nhận định.
Từ đầu tháng 5, nhằm góp phần giải tỏa lo lắng về đại dịch Covid-19 của người Việt ở Nhật, bác sĩ Phạm Nguyên Quý cùng Hội người Việt Nam ở Nhật và gần 50 điều dưỡng người Việt trên khắp Nhật Bản thành lập kênh tư vấn, giải đáp những câu hỏi như "liệu tôi có đang mắc bệnh không?" hay "tôi nên đi khám ở đâu?".
"Hầu hết các trường hợp liên hệ ở xa nên tôi cùng nhóm điều dưỡng hỗ trợ dịch và liên lạc online, giúp họ khám đúng tuyến, đúng bệnh viện", bác sĩ Quý giải thích. Nhờ hoạt động này, gần 500 trường hợp đã được sàng lọc, trong đó 5 ca dương tính được xác nhận và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Đối với những người nhiều lo lắng, bác sĩ Quý đã dành thời gian giải thích, trấn an qua mạng xã hội. "Có những ca ho kéo dài, thầy thuốc đã giải thích là do các bệnh khác như hen suyễn dạng ho mà họ không tin. Hay như một bà mẹ bị sốt trong khi chăm con nhỏ mà liên lạc chỗ nào cũng nghẽn mạch. Những lúc đó, việc cho họ thấy có người đang lắng nghe và theo dõi, đôi khi chỉ qua dòng chat hỏi ổn chưa, sẽ giúp họ yên tâm", anh tiết lộ.
Ngoài nhắn tin động viên, bác sĩ Quý giúp người bệnh hiểu lộ trình tự nhiên của các căn bệnh, lưu tâm những dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra và ghi nhận những tiến bộ để họ bình tĩnh. Đối với những ai cần dùng thuốc như ca nghi suyễn, anh hướng dẫn họ dùng thuốc xịt (do bác sĩ Nhật kê) đúng cách. Sau 5-7 ngày, các bệnh nhân hồi phục cả về thể chất lẫn tâm lý.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thục Phương từ Trung tâm Y tế Đại học Rochester, New York (Mỹ) chia sẻ."Chỉ nhìn những hoạt động của anh Quý, dù chỉ một phần nhỏ thôi, cũng đủ thấy rõ tấm lòng của anh dành cho đồng bào Việt. Dù chưa có duyên gặp mặt, nhưng có thể nói anh Quý là người đã mở ra cho tôi con đường đóng góp cho cộng đồng từ xa".
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức, đồng sáng lập dự án Y học Cộng đồng kiêm phụ trách mảng Nhi khoa thì kể rằng từ những ngày mới sang Nhật đã bị bác sĩ Quý lôi kéo tham gia vào các hoạt động học thuật, chia sẻ văn hóa qua các hoạt động dạy nấu món Việt cho người Nhật và chia sẻ kiến thức y khoa cho cộng đồng. "Thấy Quý giỏi và có tâm quá nên theo luôn đến giờ", bác sĩ Đức nói.
Vừa làm công việc ở bệnh viện vừa thực hiện những dự án vì cộng đồng, Quý thừa nhận "cũng có những lúc oải" nhưng "niềm vui và kết quả của bệnh nhân là động lực của anh". "Còn cả các đồng đội của tôi nữa. Nhìn họ hào hứng, tôi lại chiến đấu tiếp".
Trong thời gian tới, vị bác sĩ người Việt bày tỏ mong muốn xây dựng hệ thống hỗ trợ thăm khám từ xa cho người Việt tại Nhật để người có khó khăn về ngôn ngữ vẫn có thể đi khám bệnh đúng lúc.
"Ước mơ của tôi là hỗ trợ y tế để nhiều người Việt Nam an tâm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Ngoài những kỹ thuật tiên tiến, tôi cũng muốn cùng chuyển tải tinh thần tận tâm trong y tế về quê hương", bác sĩ Quý nói.
Minh Trang